|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lừa đảo khi thanh toán qua QR Code

11:46 | 11/07/2023
Chia sẻ
Hình thức lừa đảo qua mã QR Code không mới nhưng đã biến tướng tinh vi hơn trong thời gian gần đây.

Thanh toán qua QR Code, không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Tính năng quét mã QR Code đã được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng, cho phép người dùng chuyển tiền dễ dàng, không cần nhớ số tài khoản.

Nhờ tính tiện lợi và không tiếp xúc, QR Code đang dần trở thành phương thức thanh toán chính của nhiều người. Từ quán trà đá, cơm bụi vỉa hè tới quán ăn bình dân lẫn sang trọng,… chỉ cần một tờ giấy có mã QR Code thông tin tài khoản ngân hàng người nhận và dán ở một vị trí dễ nhìn, dễ tiếp cận là được.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này đang phải đối mặt với rủi ro lừa đảo. Một chủ cửa hàng tạp hoá tại Hà Nội cho biết kẻ gian đã thay thế bảng mã QR Code dán bên ngoài cửa hàng bằng một mã QR khác mà bà không hay biết.

“Tôi không biết mã QR bị thay từ khi nào. Tôi dán ở cột tường trong và mã QR lừa đảo dán ở cột tường ngoài. Khách hàng đã có người chuyển 5 triệu, 1 triệu tới vài nghìn đồng”, người này cho hay. Đến khi nhận ra tiền không về tài khoản, chủ cửa hàng mới tìm hiểu và biết khách hàng đã bị lừa gửi tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo.

 Sự tiện lợi khi thanh toán qua QR Code. (Ảnh minh hoạ: Đức Huy).

Đây là một hình thức lừa đảo mới, lợi dụng sự tiện lợi của mã QR cũng như sự mất cảnh giác của người bán. Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết kiểu lừa đảo giả mạo mã QR này nhằm đánh lừa khách tới mua hàng, khi khách hàng quét mã QR để trả tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, tưởng là của chủ cửa hàng nhưng không phải - nó là của kẻ lừa đảo. 

“Cách này lừa đảo rất dễ thực hiện, vì kẻ lừa đảo chắc chắn phải ra mặt để lén dán hoặc đặt biển có mã QR của họ thay vào của chủ quán”, anh Hiếu chia sẻ.

Hay một hình thức lừa đảo khác khi thanh toán trực tuyến qua QR Code đó là giả hoá đơn chuyển khoản. Kẻ lừa đảo đã sử dụng hoá đơn giả, qua chỉnh sửa để đánh lừa người bán rằng mình đã chuyển khoản, sau đó bỏ đi thật nhanh, trước khi bị phát hiện. 

Theo ghi nhận, trước đây để giả hoá đơn chuyển khoản, kẻ xấu phải sử dụng ứng dụng Photoshop để chỉnh sửa thông tin trên một hóa đơn có thật rồi đánh lừa nạn nhân. Tuy nhiên, thời gian này trên mạng xã hội xuất hiện các công cụ có thể tạo một hóa đơn giả của ngân hàng một cách nhanh chóng.

Các trang web này có thể làm giả hóa đơn chuyển khoản, hóa đơn biến động số dư, hóa đơn số dư, hóa đơn nạp tiền… của hầu hết các ngân hàng lớn và ví điện tử hiện nay như TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank…

Chỉ trong vòng chưa đầy một phút, kẻ lừa đảo đã có thể làm giả thông tin người nhận, số tài khoản, mã chuyển khoản, thông báo chuyển khoản thành công,… 

Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, để khắc phục lừa đảo qua QR Code, khách hàng cần kiểm chứng lại thông tin số tài khoản, tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng sau khi quét mã xong.

Về phía người bán, có thể kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR. Và luôn rà soát những mã QR có liên quan đến việc chuyển tiền ở trong cửa hàng của mình, xem cái nào không phải của mình thì bỏ ngay đi và báo lên cơ quan chức năng sớm nhất.

Ngoài ra, người bán cần kiểm tra thông tin tiền đã đổ về tài khoản của mình chưa trước khi để người mua rời đi. 

Theo thống kê từ tổ chức hỗ trợ quyền lợi người tiêu dùng Better Business Bureau, số vụ lừa đảo liên quan đến mã QR hiện chiếm tỷ lệ nhỏ so với các vụ lừa đảo nói chung, nhưng đang có xu hướng gia tăng.

Đức Huy