Vì sao thanh toán QR Code trở thành xu hướng?
Hơn nửa năm nay, Mạnh Hùng (30 tuổi), một nhân viên IT, không còn thói quen giữ tiền mặt trong ví, bởi các khoản thanh toán hàng ngày đều được thực hiện qua quét mã QR Code trên chiếc smartphone.
QR Code - Quick response code (tạm dịch: mã phản hồi nhanh). QR Code bao gồm những chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng, có thể chứa những thông tin như URL, số tài khoản, thời gian, địa điểm,…
Thanh toán qua QR Code tại Việt Nam được bắt đầu từ các ví điện tử như MoMo, VNPay, Viettel Pay,… Ngày nay, tính năng quét mã QR Code đã được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng, cho phép người dùng chuyển tiền dễ dàng, không cần nhớ số tài khoản.
“Đi siêu thị mua bỉm cho con trả tiền qua QR Code, đi cà phê với bạn cũng thanh toán bằng QR Code, thậm chí quán trà đá gần công ty cũng dán mã QR để người uống trả tiền những lúc quên mang ví”, Hùng kể.
Theo Hùng, anh chọn thanh toán qua QR Code đơn giản vì nó tiện và miễn phí. “Trước đây mỗi lần đi siêu thị, đi ăn hàng, chỉ cần có quẹt thẻ là tôi chọn thanh toán bằng quẹt thẻ, nhiều khi chỉ mua một món đồ cỡ 10.000 đồng cũng quẹt thẻ chứ không trả tiền mặt. Gần đây dùng thêm quét QR Code nữa, chuyển qua ví điện tử hoặc đưa mã QR của mình cho cửa hàng scan (quét). Ít tiêu tiền mặt nên trong ví chỉ giữ ít tiền, không lo rơi mất tiền. Dễ kiểm tra giao dịch, nên dễ quản lý chi tiêu hơn”, anh chia sẻ.
Ngoài dễ quản lý chi tiêu, thanh toán qua mã QR được nhiều người lựa chọn cũng bởi đặc tính không tiếp xúc, được hình thành qua đợt dịch COVID-19. Hơn nữa, để khuyến khích người dùng chi tiêu qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng,… nhiều tổ chức tài chính cũng liên tục đưa ra các chương trình chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn khi thanh toán online.
“Đến nay dùng mã QR chỉ thấy lợi chưa thấy hại. Có chăng là thanh toán qua app mình sẽ không tiếc tiền như trả tiền mặt. Vì thế đôi khi có thể bị vung tiền quá trán, chi tiêu nhiều hơn số mình cần”, Hùng nói thêm.
Sự phát triển nhanh của QR code cũng một phần do chi phí đầu tư cho hình thức thanh toán này rất rẻ và có thể triển khai nhanh chóng. Chỉ cần đầu quét của máy bán hàng, một chiếc điện thoại hay bảng in mã QR đặt tại quầy, người dùng có thể thanh toán xong trong khi đó khi thanh toán bằng thẻ thì cần đầu tư thiết bị và chi phí nhiều hơn.
Thu Hiền, chủ một cửa hàng tạp hoá nhỏ tại TP Nam Định, gần đây cũng đã tạo mã QR Code cho khách hàng thanh toán. “Người mua hàng xong hỏi có cho quẹt thẻ không. Cửa hàng nhỏ thì sao quẹt thẻ được, nên thanh toán qua QR Code, chuyển tiền thẳng vào tài khoản ngân hàng là tiện nhất”, Hiền nói.
Theo cô chủ tạp hoá này, cái được lớn nhất là cửa hàng bắt đầu thu hút được người mua trẻ tuổi, những người thường không có thói quen sẵn tiền mặt trong ví và ngại mua chịu.
“Ngoài ra, tiền được thanh toán qua app cũng không lo phải trả lại, tiền thừa tiền thiếu hay thậm chí nguy cơ nhận được tiền giả cũng không còn”, Thu Hiền chia sẻ.
Mạnh Hùng hay Thu Hiền kể trên chỉ là hai trong số rất nhiều người được hưởng lợi từ quét mã QR, không dùng tiền mặt đã phổ biến tại Việt Nam trong hai năm trở lại đây. Lợi ích của QR Code không chỉ dừng lại với người dùng mà còn góp phần đơn giản hoá quy trình, giảm chi phí xử lý giao dịch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mà ở đây là các ngân hàng, fintech,…
VNPAY, một trong những công ty đầu tiên đưa tính năng quét mã QR để thanh toán vào Việt Nam, cho biết họ đang phát triển hệ thống thanh toán VNPAY-QR với hơn 200.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc với nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, thời trang, điện máy, bệnh viện, trường học… và nhiều ngành nghề khác. Hiện người dùng có thể thanh toán VNPAY-QR trên hơn 30 ứng dụng ngân hàng và 10 ví điện tử.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm nay đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng thanh toán qua hình thức quét mã QR tăng 86%.
Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ. Theo Đề án phát triển thanh toán KDTM giai đoạn 2021-2025, mục tiêu Chính phủ đề ra là tới năm 2025, giá trị thanh toán KDTM đạt gấp 25 lần GDP; tốc độ tăng trưởng bình quân về số luọng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 – 25%/năm; thanh toán KDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; số lượng chấp nhận thanh toán KDTM lên trên 450.000 điểm
Cùng với đó, số liệu từ Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy Việt Nam có 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone, trong đó 73,5% là người trưởng thành. Tính đến tháng 9, Việt Nam có hơn 81,8 triệu thuê bao internet di động.
Đây là những cơ sở để hình thức thanh toán qua mã QR phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Những vấn đề của QR Code
Ngoài những tiện lợi kể trên, phương thức thanh toán bằng mã QR Code vẫn đang gặp không ít bất cập. Phạm Trang (Hà Nội) cho biết cô có thói quen quét mã QR để thanh toán nên hiếm khi kiểm tra lượng tiền mặt còn trong ví. Có lần đổ xăng nhưng tiền mặt trong ví không đủ, Trang buộc phải mượn tiền của người khác sau đó xin số tài khoản để chuyển trả.
“Còn chưa kể khi mua đồ ở chợ, dọc đường,… không phải lúc nào cũng sẵn có mã QR để quét”, Trang nói.
Cũng gặp trường hợp như Phạm Trang, Nguyễn Chu (Nghệ An) cho biết: “Tôi chưa sử dụng mã QR nhưng thường xuyên dùng thẻ chỉ cần chạm khi thanh toán. Vậy nhưng rất nhiều điểm thanh toán không có máy có chức năng này, rồi ngay cả nhân viên thu ngân cũng lúng túng khi sử dụng. Trong khi nhiều ngân hàng đã phát hành rất nhiều loại thẻ này, rất tiện lợi”.
Để sử dụng phương thức thanh toán qua mã, yêu cầu smartphone phải kết nối với internet, khiến việc sử dụng QR Code trong nhiều trường hợp chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, để sử dụng thanh toán qua QR Code, dù bằng ví điện tử hay bằng ứng dụng ngân hàng, bắt buộc người dùng phải liên kết với tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, tức hơn 30% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, số liệu được Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng”.
Cuối cùng, yếu tố bảo mật là lý do khiến nhiều người còn ngại ngần với phương thức thanh toán bằng QR Code. Theo nghiên cứu Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2021, an toàn và bảo mật là mối quan tâm hàng đầu khi thanh toán điện tử.
Trong đó, những lý do hàng đầu cho việc không thử sử dụng các phương thức thanh toán mới bao gồm các vấn đề an ninh (47%) và lo ngại về bảo mật dữ liệu (42%). 79% số người được hỏi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẵn sàng thử các công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn và 85% muốn chắc chắn rằng các tùy chọn thanh toán do người bán đưa ra là an toàn.
Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023
Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.