|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lựa chọn thời hậu COVID-19: Kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số

11:19 | 06/07/2020
Chia sẻ
Tại diễn đàn "Lựa chọn nào thời hậu COVID-19", TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp "Lựa chọn nào thời hậu COVID-19” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lí đã phân tích, dự báo xu hướng thị trường trong bối cảnh hậu COVID-19. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, khi dịch bệnh tại nhiều quốc gia còn diễn biến phức tạp, nên dù thế nào cũng giữ vững niềm tin của doanh nghiệp là duy trì lạm phát dưới 4%.

Doanh nghiệp cần đổi mới mô hình kinh doanh để tăng sức bền và tính linh hoạt hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn. (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ông Lộc cho rằng, thực tiễn chỉ ra rằng, động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. "Năm nay khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN", Chủ tịch VCCI nói. 

Phân tích về kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực dự báo, kinh tế thế giới 2020 sẽ suy thoái, giảm khoảng 3-4% so với năm 2019, nhưng sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch đã có hiệu quả, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu hồi phục từ đầu tháng 4/2020. Giải ngân đầu tư công cũng cải thiện tích cực, thị trường chứng khoán hồi phục khá. 

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2020 dự báo sẽ thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch khả quan.

Đưa ra khuyến nghị chung với Việt Nam, ông Lực nhận định, cần tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử. Cần đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh lúc nào cũng quan trọng và năm nay càng quan trọng.

Với doanh nghiệp, ông Lực đúc kết, doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh. Đồng thời kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị. 

Với mô hình 5 chữ R: Respond (ứng phó với đại dịch), Recover (phục hồi); Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh); Restructure (tái cơ cấu) và Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài), trong đó, đặc biệt doanh nghiệp cần đáp ứng ít nhất ba yếu tố đầu tiên.

Nói về định hướng cho các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành nhận định, doanh nghiệp cần định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lí dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, qui trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị. 

Đặc biệt, để quản trị rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống, tận dụng bảo hiểm, tăng nhận thức pháp lí…

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, để sáng tạo sản phẩm mới và truyền thông bán hàng tốt, cần đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cùng cuộc cách mạng tiêu dùng xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng và cá tính.

Đồng thời, chuyển đổi marketing 4P (Product, Price, Place, Promotion), 4C (Customer Solution, Costunmer Cost, Convenience, Communication), 4C tăng cường (Co-creation, Currency, Communal Activation, Conversation).

Đặc biệt, doanh nghiệp không chỉ bán cái thị trường cần mà phải biết cả tạo dựng thị trường. Ngoài ra, phải thay đổi kĩ năng và ứng xử người lao động, đối diện với lựa chọn thay đổi để có việc làm mới hay bị bỏ lại phía sau.

“Đôi khi cái giá phải trả cho sự thay đổi thấp hơn nhiều so với cái giá phải trả khi không kịp thay đổi”, ông Võ Trí Thành dẫn ra một triết lí khá nổi tiếng của các chuyên gia trên thế giới.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần thiết phải chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt. 

Theo ông Hùng, khủng hoảng COVID-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi, ví dụ chi phí thuê văn phòng…

Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp, ví dụ tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc.

Theo ông Hùng, có 4 bài học hữu ích từ các cuộc khủng hoảng trước đây cần được cập nhật để thích ứng với những biến đổi không ngừng từ đại dịch. 

Cụ thể, sự thay đổi dài hạn trong thói quen của người tiêu dùng; môi trường kinh doanh đầy biến động và chứa nhiều yếu tố chưa rõ ràng; sự thay đổi trong tính chất công việc; suy giảm niềm tin vào doanh nghiệp.

Mai Anh

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.