|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đơn giản hóa qui định về kinh doanh: Cần chủ động trao quyền cho doanh nghiệp

09:35 | 04/07/2020
Chia sẻ
Để đơn giản hóa qui định pháp luật về kinh doanh cho doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Chi Lan, cần cải cách trong tư duy nhận thức: cần quản lí những gì và quản lí đến đâu, chủ động trao quyền cho doanh nghiệp.
Giải pháp đẩy nhanh cắt giảm 20% số qui định về hoạt động kinh doanh - Ảnh 1.

Buổi Tọa đàm thảo luận về việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa qui định pháp luật về hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. (Ảnh: VGP).

Mới đây bổi tọa đàm về việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa qui định pháp luật về hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp đã diễn ra.

Trước đó, với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12/5 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số qui định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ qui định liên quan đến hoạt động kinh doanh. 

Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên tổ công tác của Thủ tướng chính phủ về rà soát văn bản qui phạm pháp luật, cho rằng việc cắt giảm 20% số qui định đến năm 2025 là mục tiêu khó thực hiện và muốn thực hiện được thì cần phải có các mốc ngắn hơn.

Ông cho rằng, mốc khó nhất là giai đoạn ngày 30/10 sắp tới, các Bộ ngành sau khi tự rà soát phải đưa ra kế hoạch cắt giảm. Và khi có kế hoạch thì mới thực hiện được các bước tiếp theo. 

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Tô Hoài Nam cũng đưa ra những nguyên nhân của việc thực hiện cắt giảm 20% số qui định đến năm 2025 là rất khó. 

"Thứ nhất, chúng ta đang đi sâu hơn, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều ngành. Thứ hai là phụ thuộc rất nhiều vào sự sửa đổi kịp thời của các văn bản pháp luật khác. Thứ ba, cần cán bộ có trình độ", ông Nam thông tin.

Đại diện phía Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh quá trình cắt giảm số qui định, thủ tục về hoạt động kinh doanh. 

Đó là việc cần thực hiện quyết tâm cao và cẩn trọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật, văn bản qui phạm pháp luật để tránh có quá nhiều văn bản, quá nhiều thủ tục, làm phức tạp vấn đề cho doanh nghiệp. 

Ông Nam cũng nhấn mạnh việc cơ quan chức năng phải lựa chọn: theo nguyên tắc, thủ tục nào có thể bỏ được, thì nên bỏ; thủ tục nào có thể hậu kiểm được nên chuyển sang hậu kiểm; thủ tục nào có thể sử dụng bằng điện tử, tin học thì nên sử dụng.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Chi Lan, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nêu quan điểm cần cải cách trong tư duy nhận thức: cần quản lí những gì và quản lí đến đâu, chủ động trao quyền cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình. 

Ông Tô Hoài Nam đồng thời đề nghị giải pháp muốn cắt giảm được số lượng qui định, đó là cần xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt ở các bộ, ngành, địa phương. 

Muốn làm được việc này, theo ông Nam, cần tăng quyền chủ động cho các địa phương, cấp trên cần tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chỉ can thiệp khi cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, khi giao quyền thì người đứng đầu đơn vị địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình và phải có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Giải pháp đẩy nhanh cắt giảm 20% số qui định về hoạt động kinh doanh - Ảnh 2.

Các qui định cho doanh nghiệp còn nhiều chồng chéo, bất cập. (Ảnh: Cục Hải quan).

Bên cạnh đó, ông Tô Hoài Nam cũng đưa ra giải pháp về sự cần thiết của cơ quan giám sát khách quan, và nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia trong việc đánh giá mô hình.

Có rất nhiều rào cản đến từ bên trong của các cơ quan hành chính. Do đó, cần sự quyết tâm cao từ ban ngành đến địa phương để làm sao thực hiện được mục tiêu cắt giảm 20% số qui định về hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Theo báo cáo, có hơn 60% điều kiện kinh doanh được cắt giảm cũng như danh mục kiểm tra chuyên ngành một số các mặt hàng đã được cắt bỏ. 

Tương tự như vậy, phải tìm một cách thức để áp dụng đối với việc rà soát, sửa đổi chồng chéo của các qui định, cần phải tìm cách tiếp cận phù hợp.

Theo ông Nam chia sẻ, phải xác định rõ một bộ, ngành nào chủ trì rồi trình lên cấp trên. Thường là các bộ, ngành không tự nhận ra cái bất cập, vướng mắc trong bộ, ngành của mình. Những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các qui định thường do các đơn vị độc lập như VCCI, các viện nghiên cứu… nhận diện được, trên cơ sở họ làm việc với địa phương, doanh nghiệp.

Giải quyết dứt điểm những qui phạm pháp luật gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo, qua một thời gian làm việc với rất nhiều doanh nghiệp và các bộ ngành, bà vẫn thấy sự chần chừ đó còn tồn tại.

"Trong việc chúng ta sửa đổi, rà soát thì vai trò kết nối với hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia để giúp chúng ta nhận diện đâu là điểm nghẽn cũng như giải pháp tháo gỡ. Bởi có nhiều trường hợp các bộ, ngành nhìn thấy vấn đề, bất cập nhưng họ không biết dùng công cụ, cách thức nào để xử lí bất cập đó", bà Thảo cho biết.

Do đó, theo bà Thảo, sự tham gia của các bên, trong đó là doanh nghiệp, chuyên gia cũng như các bộ, ngành có liên quan rất quan trọng.

Việc tạo áp lực đủ mạnh có thể triệt tiêu sự chây ì trong cải cách của các cơ quan quản lí, nhưng nhiều ý kiến tại tọa đàm cho ràng đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Vì vậy, cần thay đổi tư duy thì cải cách mới thực chất. Bởi áp lực từ bên trên xuống thì kết quả không cao bằng chính tự thân họ thấy cần thay đổi để tạo sự thông thoáng thật sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước cũng là lợi ích của chính họ.

Vừa qua, Tổ công tác do Thủ tướng thành lập đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn trên cả nước cung cấp thông tin, phản ánh, kiến nghị về các qui định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp. 

Từ những ý kiến đó, Tổ công tác đóng vai trò tham mưu cho Chính phủ sẽ xem xét qui định đó có thực sự cần thiết hay không. Nếu không có qui định đó thì xét xem doanh nghiệp có bị ảnh hưởng, cơ quan quản lí nhà nước có bị mất quyền lực không, có qui định đó doanh nghiệp có tốt hơn không.

Các giải pháp đưa ra không đơn thuần là giải pháp cho các doanh nghiệp trong thời kì COVID-19 mà còn là giải pháp lâu dài cho doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đưa ra vừa kiểm soát dịch tốt, vừa hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế.

Minh Hằng - Mai Anh