|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lừa chơi tiền ảo dưới mác đầu tư chứng khoán

06:49 | 29/10/2019
Chia sẻ
Không kiến thức, ham lợi nhuận, nhiều nạn nhân bị chôn vốn vào kênh tiền ảo dưới mác đầu tư chứng khoán mà không hề hay biết…
avatar_1572306225137

Gala dinner hoành tráng chào mừng khai trương chi nhánh Công ty TNHH Đầu Tư Financial.org Việt Nam tại Hà Nội tháng 8/2018

Sau 1 năm thu vốn, nhận lãi gấp đôi

Quanh năm nội trợ ở nhà, song khi được một “người anh” rủ rỉ đầu tư cho một công ty chứng khoán có trụ sở tại Thụy Sỹ, chị T.M.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng quyết “ôm” hơn 2 trăm triệu đồng trong nhà để đầu tư. “Anh ấy bảo, mình chỉ cần đổ tiền vào thôi còn công ty đã có ê-kíp thay mình chơi. 

Mỗi một lệnh thành công, tiền lãi sẽ công khai báo về tài khoản của mình. Phía công ty chỉ giữ lại chút % coi như hoa hồng trả công”.

Theo lời kể của chị H., gói thấp nhất để đầu tư là 10 nghìn USD, người chơi nhận được cam kết 1 năm sẽ hoàn vốn và tiền lãi tăng gấp đôi. 

“Người quen bảo tôi vào càng sớm càng có lợi, với gói đầu tư của mình, mỗi tháng tôi sẽ nhận về một số giá trị bằng đồng tiền Foin. 

Muốn rút thì có thể quy đổi ra đồng USD rồi thành tiền Việt khoảng 30 triệu đồng. Nếu không muốn rút, có thể để dành hoặc mua thêm Foin của người khác vì đồng tiền này sẽ tăng lũy tiến, càng nhiều người vào chơi, giá trị càng tăng”.

Cũng theo lời chị H., do quy trình giao dịch rút tiền khá rắc rối với một bà nội trợ không biết tiếng Anh, nên chị hoàn toàn phải phụ thuộc vào người “cấp trên”.

 “Thấy bảo là cấp trên chuyển tiền vào tài khoản cho mình chứ mình cũng không hề biết họ là ai.

 Sau 6 tháng tiền về đều đặn thì tới tháng 9/2018 đột nhiên không thấy động tĩnh gì. Lúc này, số tiền gốc của tôi vẫn còn mắc trong hệ thống khoảng 40 triệu đồng. 

Khi tôi thắc mắc, “người anh” kia trả lời nếu không mở tài khoản mới thì họ sẽ ngưng hoạt động tài khoản của mình lại, chờ đến tháng 7/2019 là ngày hệ thống sẽ tung đồng Foin ra thị trường thế giới, khi đó mình lại thoải mái mua bán”, chị H. giãi bày.

Tuy nhiên tới hẹn, chị H. vẫn chưa thấy tín hiệu từ tài khoản. “Truy hỏi nhiều lần mới được biết đồng Foin không ok nên tháng 10 công ty sẽ tìm cách đổi sang giá trị đồng Bitcoin.

 Tuy nhiên, để được chuyển đổi, mỗi mã chơi sẽ phải nộp thêm 1,5 triệu đồng nữa. Thôi thì vớt vát được chút nào hay chút ấy, tôi đành nghe theo. Thế nhưng, bây giờ đã gần tháng 11 rồi vẫn thấy im ắng lắm”, chị H. cho hay.

Với 40 triệu đồng có khả năng bị “chôn mất” vào hệ thống đầu tư tiền ảo, chị H. vẫn cho mình khá may bởi nhiều người khác xung quanh chị còn mất nhiều hơn rất nhiều.

 “Bạn tôi thấy ban đầu tiền lãi đổ về tài khoản thật nên đâm ra say, chơi hết gói này tới gói khác. Cắm cả nhà vay 1 tỷ đồng đổ vào, giờ thì chết ngất ôm nợ”.

Theo tìm hiểu, công ty chứng khoản mà chị H. nhắc tới chính là Financial.org. Với chiêu thức là “cầu nối” giữa những người có tiền nhàn rỗi và các nhà đầu tư chứng khoán cần tiền, Financial.org ra mức đầu tư tối thiểu là 10.000 USD. Mỗi tháng, công ty sẽ trả 8% lãi và 8% gốc (tương đương 1.600USD). 

16% này đến từ quy trình được giải thích là cho các nhà đầu tư chứng khoán vay tiền và thu phí hàng tháng. Chưa kể nếu mời thêm được người tham gia, người chơi sẽ được thưởng nóng 6% giá trị tài khoản đầu tư. 

Ngoài ra, còn hoa hồng cân nhánh từ những người chơi tiếp theo.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, nhiều thành viên cũ (tham gia từ năm 2018) đều cho hay, sau khi nhận lãi được 3 - 6 tháng, tài khoản bị “treo”.

 “Khi tham gia họ nói nếu không bán bên ngoài thì cấp trên cam kết sẽ mua lại số Foin đó, nhưng đến khi muốn rút thì tôi lại bị từ chối. 

Có trường hợp, cấp trên giả vờ nhận lời, chuyển Foin đó sang nhưng 2 tháng sau chuyển ngược lại lấy cớ không tìm được người mua”, một người chơi tại TP HCM cho hay.

Khi đa cấp hợp sức với tiền ảo

Bitcoin giảm mạnh kéo theo hàng loạt tiền ảo lao dốc

Tính tới ngày 24/10, giá Bitcoin đồng loạt giảm mạnh xuống ngưỡng 7.000 USD.

Theo sau Bitcoin, các loại tiền điện tử có vốn hóa lớn khác cũng giảm từ 1% đến 10% về giá trị.

Bị ảnh hưởng bất lợi nhất là Bitcoin SV, tiền ảo này mất 9,91% và đang giao dịch mức 96,7 USD.

Vốn hóa ghi nhận chỉ 1,7 tỷ USD, trong khi khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất vào khoảng 495 triệu USD.

Hai tiền ảo Binance Coin và Bitcoin Cash giảm lần lượt 8,57% và 8,26%. EOS giảm 7,7%, Ripple và Ethereum giảm khá sâu với 6,6%.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thực chất Financial.org là một trang web thuộc sở hữu của một tập đoàn tài chính ở Thụy Sĩ nhưng rất lạ là không thể tìm thêm được bất kỳ thông tin nào về công ty này. 

"Năm 2018, Reuters phát đi cảnh báo Financial.org không nằm trong danh sách công khai các công ty được ủy quyền và điều chỉnh bởi Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) của Anh để mua và bán cổ phiếu hoặc trái phiếu cho khách hàng. 

Cung cấp các dịch vụ đầu tư mà không có sự chấp thuận của pháp luật là một hành vi vi phạm hình sự ở Anh", ông Hiếu cho biết.

Được biết, công ty này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2017. Khi biết mình sa bẫy vào đồng Foin của Financial.org, nhiều người chơi cho hay chấp nhận đầu tư vì tưởng đây là kênh ủy quyền chơi chứng khoán.

 "Thời gian đầu, trong tài khoản hàng ngày đều công khai hôm nay đầu tư mã nào, lãi như thế nào. Nên nhiều người tin và tham gia lắm", một người chơi cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh cho biết: "Dụ chơi chứng khoán hay tham gia đầu tư gắn liền với một thứ hàng hóa nào đó… cũng chỉ là hình thức, giải pháp tạo nên giá trị cho đồng tiền ảo. Cứ như thế đồng này sập thì đồng kia được dựng lên hút vốn người chơi".

Từ trường hợp đồng Foin, ông Minh cho biết: Đây là hình thức kinh doanh tiền ảo nhưng mô hình gần giống kinh doanh đa cấp. 

"Nếu như hầu hết công ty kinh doanh đa cấp đều kinh doanh các sản phẩm hữu hình, người đến trước sẽ được hưởng lợi dựa trên mức tiêu thụ sản phẩm/doanh số của người đến sau thì đối với kinh doanh tiền ảo, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi càng có nhiều người tham gia… 

Điều này tạo sự khan hiếm vì số lượng tiền ảo được tạo ra luôn là có hạn theo ý thức chủ quan của người/tổ chức viết ra. Và người tham gia bị thúc đẩy bởi tâm lý "tôi phải là người đi trước". Càng nhiều người nghĩ mình là người đi trước sẽ càng có nhiều người tham gia", ông Minh phân tích.

Đáng nói, theo ông Minh, qua rất nhiều bài học cảnh báo, người chơi tiền ảo biết là lừa đảo nhưng vẫn cố tình tham gia. "Nhiều người tham gia lại nghĩ là mình là thế hệ đầu, khôn hơn, khi cần sẽ rút chân ra kịp, trước khi hệ thống sập. 

Chính vì thế, tiền ảo vẫn được coi là một kênh đầu tư dù pháp luật Việt Nam chưa công nhận", vị chuyên gia nói.

Hoàng Ngân