|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lọt danh sách đen nhà máy gây ô nhiễm, sao Rạng Đông cố giữ 'đất vàng' chưa di dời?

15:24 | 03/09/2019
Chia sẻ
Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ phải di dời về khu công nghiệp Quế Võ để nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn. Thế nhưng vì sao đến nay Rạng Đông vẫn chưa thể di dời được?

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng vừa xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã để lại hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp và các hộ dân lân cận. Sự việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động khi các cơ sở sản xuất vẫn cố thủ “bám đất “vàng, không chịu di dời khỏi nội đô.

rang dong

Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm ngay sát khu dân cư, sau sự cố cháy ngày 28/8 đang khiến người dân lo lắng liên quan đến hóa chất nguy hại... (Ảnh: TNO).

Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Thực hiện chủ trương trên, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở và quận Long Biên 17 cơ sở.

Thế nhưng, sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

TP Hà Nội cũng đã báo cáo xin ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời.

Lý giải về sự chậm trễ này, Hà Nội cho rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến….

Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sẽ phải di dời về khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn.

Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-TTg năm 2010 về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khu đất nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới… 

Nhưng đến nay, Công ty này vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể; trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở khu công nghiệp Quế Võ lại chưa được xây dựng.

Lọt danh sách đen nhà máy gây ô nhiễm, sao Rạng Đông cố giữ 'đất vàng' chưa di dời? - Ảnh 2.

Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long có địa chỉ số 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân vô cùng lo lắng khi nhà máy vẫn chưa di dời.... Ảnh: Minh Thư

Tương tự, năm 2017, UBND quận Thanh Xuân cũng đã có văn bản số 1399/UBND-TN&MT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc tổng hợp các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch chung cần phải di dời ra ngoài khu vực nội đô TP Hà Nội. Trong đó nêu rõ, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Công ty Thuốc lá Thăng Long), địa chỉ 235 Nguyễn Trãi, Thượng Đình là đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặc dù các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định liên quan tới việc di dời của Công ty Thuốc lá Thăng Long nhưng không hiểu lý do vì sao đơn vị này vẫn chưa chịu di dời. Trong khi đó, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm của nhà máy vẫn diễn ra ngày càng phức tạp.

Cụ thể, phản ánh với PV Infonet, ông Tạ Đức Khương – Trưởng Ban quản trị Tòa chung cư Sakura (47 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhiều cư dân tòa nhà phản ánh việc Công ty Thuốc lá Thăng Long vẫn tiếp tục xả khói bụi thiếu kiểm soát gây xáo trộn cuộc sống cũng như gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tòa nhà chung cư Sakura nói riêng và người dân quanh khu vực gần nhà máy này nói chung.

Ông Khương cho biết, đại diện cho các cư dân, ông đã nhiều lần gửi phản ánh bằng văn bản tới các cơ quan chức năng như UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và gửi tới cả Công ty Thuốc lá Thăng Long để mong có giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

Minh Thư