London mất ngôi đầu hút vốn toàn cầu vì Brexit
Báo cáo 'Chiến thắng ở các thành phố phát triển' là khảo sát thường niên về hoạt động đầu tư bất động sản thương mại toàn cầu, trong đó liệt kê các thành phố thành công nhất trong việc thu hút vốn.
12 tháng qua, các thành phố cửa ngõ lớn nhất đã tăng thị phần trên thị trường, với top 25 thành phố thu hút 53.3% tổng chi tiêu toàn cầu trong khi năm trước đạt 52.7%. Khác biệt của báo cáo lần này là London đang mất dần vị thế trung tâm trong mắt giới đầu tư toàn cầu và bị New York soán ngôi.
Cụ thể, tính đến giữa năm 2016, khối lượng đầu tư vào London giảm từ 39 tỷ USD xuống còn 25 tỷ USD khiến thủ đô nước Anh mất vị trí dẫn đầu toàn cầu về thu hút vốn do những hệ luỵ từ Brexit mang lại. Cùng với sự sa sút của London là Tokyo, Washington và Frankfurt. Các thành phố này sụt giảm lượng vốn đầu tư vì nguồn cung hạn chế và cạnh tranh từ địa phương.
London không còn là thỏi nam châm hút vốn toàn cầu vì Brexit. Ảnh: Reuters
New York dẫn đầu về đầu tư tổng thể và về người mua qua biên giới. Los Angeles và San Francisco đều đang tăng hạng trong danh sách các thành phố hàng đầu để đầu tư. Philadelphia có khối lượng vốn đầu tư tăng 50,5%. Toronto, Denver, San Diego và Phoenix đều gia tăng vốn đầu tư mạnh mẽ.
Các thành phố cấp một như Paris, Amsterdam, Copenhagen và Milan đều có mặt trong danh sách tăng trưởng hàng đầu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thành phố cấp 2, dẫn đầu bởi Roma, Helsinki, Liverpool, Newcastle, Birmingham, Nuremburg và Stuttgart.
Cushman & Wakefield đánh giá, ngày càng nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang lĩnh vực bất động sản nhờ vào dòng tiền ổn định và tính bảo đảm khỏi rủi ro lạm phát. Giới đầu tư cũng cho rằng các nền tảng của thị trường bất động sản cho thuê đang diễn biến khá tốt. Theo báo cáo này, trong môi trường vĩ mô - từ sự chậm lại của Trung Quốc, đến Brexit, và cuộc bầu cử Mỹ - khiến nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc tìm kiến địa điểm đầu tư.
Brexit có khả năng thay đổi hệ thống phân cấp thành phố trên toàn cầu như các thành phố khác tranh nhau để tận dụng lợi thế của sự không chắc chắn giữa các khách thuê London và các nhà đầu tư. New York chiếm được vị thế số một thế giới thu hút vốn nước ngoài có thể là sự đảo ngược ngắn hạn.
Carlo Barel di Sant'Albano, Giám đốc điều hành, Bộ phận Thị trường vốn toàn cầu, Cushman & Wakefield, nhận định: "Trong thời gian tới, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với việc phân bổ vốn cho bất động sản vẫn khá tích cực. Mặc dù biến động đã giảm trong 12 tháng qua, rủi ro tổng thể vẫn còn diễn ra".
Theo chuyên gia này, bất ổn toàn cầu sẽ tiếp tục làm cho các nhà đầu tư thận trọng hơn. Trong môi trường cạnh tranh, các thành phố phải làm nhiều hơn để thu hút người lao động, chứ không chỉ dựa vào dòng chảy lao động tự nhiên. Điều này có nghĩa là các thành phố cần phải tạo ra một giá trị thương hiệu mà những người trẻ dễ dàng nhận biết, tập trung vào sức khỏe và an ninh hơn so với hiện nay, giữ tốc độ thay đổi công nghệ và cải thiện phong cách sống.
Theo Vũ Lê