|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Imexpharm báo lãi hơn 52 tỷ đồng quý I, tăng 26% so với cùng kỳ

15:45 | 19/04/2022
Chia sẻ
Nhờ cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, Imexpharm đã tăng được lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp đạt trên 45%.

Theo báo cáo tài chính quý I năm 2022, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đạt 314 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng giảm nhẹ từ 172,5 tỷ đồng xuống còn 171,6 tỷ đồng. 

Imexpharm cho biết nhờ việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 15%, đạt 143 tỷ đồng trong quý I. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 41,8% lên 45,4%. 

Các chi phí của doanh nghiệp biến động không nhiều. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ. 

Như vậy, kết thúc quý I doanh nghiệp đã đạt 21,6% mục tiêu doanh thu thuần và thu nhập khác của cả năm. Lợi nhuận trước thuế của kỳ này là 66 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch cả năm. 

Về tình hình tài chính, tổng tài sản cuối kỳ là 2.164 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với trị giá hơn 515 tỷ đồng chủ yếu là máy móc các loại nhà máy sản xuất dược công nghệ cao. Tổng trị giá hàng tồn kho là 456 tỷ đồng. 

Nợ phải trả của doanh nghiệp là 317 tỷ đồng, giảm 36% so với đầu kỳ và chỉ chiếm 14,6% cơ cấu nguồn vốn. Khoản vay dài hạn 91,6 tỷ đồng từ ngân hàng Asia Development Bank đến hạn trả nên được hạch toán chuyển qua khoản vay ngắn hạn. Khoản vay ngắn hạn 91,6 tỷ đồng vay từ ngân hàng  Asia Development Bank đã được doanh nghiệp thanh toán trong kỳ. Cuối kỳ kế toán, toàn bộ nợ phải trả của doanh nghiệp chỉ còn là nợ ngắn hạn. Tổng trị giá vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 1.847 tỷ đồng.

 Nguồn: BCTC quý I/2022 của Imexpharm. 

Kết thúc phiên giao dịch 19/4, thị giá của cổ phiếu IMP là 73.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 4.900 tỷ đồng.

T.Đan

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.