Imexpharm trước thềm SK thoái vốn: Nắm số dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP lớn nhất trong ngành, cổ phiếu tăng 90% từ đầu năm
Theo nguồn tin từ Bloomberg, SK Group đang cân nhắc bán 65% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) trong bối cảnh cổ phiếu của công ty dược này tăng mạnh trong năm nay.
Tập đoàn Hàn Quốc này đang làm việc với một đơn vị tư vấn tài chính về việc thoái vốn, các cuộc thảo luận đang diễn ra. Đại diện của SK Group từ chối bình luận về vấn đề này.
Công ty dược đầu tiên niêm yết trên sàn
Imexpharm tiền thân là Xí nghiệp Liên Hiệp Dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở Y tế Đồng Tháp, thành lập năm 1983. Năm 1992 đổi tên thành Công ty dược phẩm Đồng Tháp trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp. Cuối năm 1999, tiếp tục đổi tên thành Công ty Dược phẩm Trung ương 07 trực thuộc Tổng Công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN).
Doanh nghiệp chính thức cổ phần hoá năm 2001 và đổi sang tên CTCP Dược phẩm Imexpharm. Imexpharm là công ty dược đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn vào năm 2006.
Hiện Imexpharm có 4 cụm nhà máy với 7 nhà máy và xưởng sản xuất. Trong đó, nhà máy IMP 2,3,4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP.
Cập nhật từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư giữa tháng 11, Chứng khoán Phú Hưng thông tin Imexpharm đã đưa dây chuyền 3 tại nhà máy IMP4 vào hoạt động từ cuối tháng 10. Công ty nhận được khá nhiều đơn đặt hàng trước cho nhà máy IMP4 và dự kiến tỷ lệ sử dụng của nhà máy IMP4 sẽ đạt khoảng 80% - 90% vào quý IV.
Ngoài ra, công ty cho biết IMP4 đã tạo ra dòng tiền dương vào quý III và dự kiến sẽ đạt điểm hòa vốn vào quý IV.
Tính tới hết năm 2023, danh mục sản phẩm của Imexpharm chiếm 71% là thuốc kháng sinh. Còn lại là các sản phẩm thuốc ho, giảm đau và hạ sốt, hỗ trợ tiêu hoá, chống lao, chống viêm,... Doanh nghiệp nắm giữ khoảng 9% thị phần thuốc kháng sinh nội địa năm 2023.
Imexpharm hiện có vốn điều lệ 1.540 tỷ đồng, là công ty dược có vốn điều lệ cao nhất trên sàn. Theo báo cáo quản trị, tính tới cuối tháng 6, SK và các bên liên quan (KBA, Binh Minh Kim) sở hữu khoảng 64,8% vốn tại Imexpharm. Riêng SK Investment Vina III Pte. Ltd nắm 47,67% vốn, CTCP Đầu tư Bình Minh Kim với 9,75%, CTCP Đầu tư KBA sở hữu 7,37% vốn tại đây.
Tổng công ty Dược Việt Nam nắm 22% cổ phần ở Imexpharm.
Top 4 lợi nhuận trong ngành, cổ phiếu tăng gần gấp đôi trong năm
Xét về quy mô doanh thu trong ngành, Imexpharm đứng thứ ba trên sàn sau Dược Hậu Giang (Mã: DHG) và Tổng Công ty Dược Việt Nam, căn cứ theo số liệu 9 tháng đầu năm nay.
Về lợi nhuận, Imexpharm chỉ đứng thứ 4 trong danh sách các công ty thống kê, xếp sau Dược Hậu Giang, Dược Việt Nam và CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Mã: DBD)
Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các doanh nghiệp.
SK Group chính thức trở thành cổ đông chiến lược, tham gia vào ban quản trị của Imexpharm từ năm 2020 sau khi mua gần 25% cổ phần thông qua công ty con SK Investment Vina III với số tiền không được tiết lộ.
Sau một năm SK gia nhập Imexpharm, công ty dược này liên tục phá vỡ kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 và 2023.
Cập nhật số liệu mới nhất, doanh thu thuần 10 tháng của Imexpharm đạt 1.729 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tương đương hoàn thành 73% kế hoạch của năm.
Mặc dù hiệu suất hoạt động bình quân của nhà máy IMP4 còn thấp do vẫn trong giai đoạn mới đi vào hoạt động và thị trường OTC còn nhiều khó khăn, đà sụt giảm lợi nhuận đã chững lại. Lợi nhuận trước thuế chỉ còn giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 293 tỷ đồng trong 10 tháng (9 tháng giảm 12%).
Đi cùng với đà tăng của kết quả kinh doanh thì cổ phiếu IMP là cổ phiếu dược có mức tăng mạnh thứ hai trong nhóm dược tính từ đầu năm tới nay.
IMP lập đỉnh lịch sử vào giữa tháng 9 với mức giá 53.200 đồng/cp (giá điều chỉnh sau khi phát hành cổ phiếu). Cổ phiếu bước vào giai đoạn điều chỉnh và chốt phiên 12/12 ở mức 49.500 đồng/cp, tăng khoảng 90% kể từ đầu năm tới nay.
Chạy đua mở rộng công suất
Hiện tăng trưởng doanh thu của Imexpharm đến chủ yếu từ kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) trong khi kênh OTC (kênh bán lẻ) lại suy giảm.
Theo thông tin từ SSI Research cuối tháng 8, Imexpharm đã vươn lên vị thế top 3 kênh bệnh viện với 2,3% thị phần, chỉ đứng sau 2 công ty đa quốc gia (AstraZeneca & Roche). Công ty có kế hoạch mở rộng ra khu vực miền Bắc, nơi Imexpharm có khoảng 14.000 khách hàng bán lẻ, và chỉ khoảng 20 khách hàng bệnh viện tại đây.
Công ty sở hữu 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nhiều nhất trong số các công ty dược Việt Nam. Việc đầu tư cho các dây chuyền chuẩn EU-GMP được các chuyên gia phân tích đánh giá sẽ tạo điều kiện cho Imexpharm đấu thầu vào các bệnh viện.
Imexpharm đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10-15% trên thị trường thuốc không kê đơn với ít nhất 100 sản phẩm mới, và tăng trưởng 20%-30% trên thị trường thuốc kê đơn với gấp đôi số lượng khách hàng.
Về mặt sản xuất, công ty kỳ vọng tối đa công suất của cả 4 nhà máy bằng cách thêm những hợp đồng sản xuất gia công và hợp đồng xuất khẩu.
Trong dài hạn, doanh nghiệp đã công bố sẽ hợp tác với công ty Hàn Quốc SK Plasma và Genuone Sciences để sản xuất những danh mục thuốc mới (ngoài danh mục thuốc kháng sinh), như thuốc tim mạch và tiểu đường
Imexpharm có kế hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp Nhà máy Dược phẩm Cát Khánh tại Đồng Tháp theo tiêu chuẩn EU-GMP với 4 lĩnh vực điều trị là tim mạch, cơ xương khớp, tiểu đường và tiêu hóa. Dự án dự kiến có tổng diện tích là 25.000 m2, tổng mức đầu tư là 1.495 tỷ đồng và công suất thiết kế là 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm.
Công ty dự kiến hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết vào quý I/2025, bắt đầu khởi công xây dựng vào quý III/2025 với mục tiêu hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2028.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dự kiến thanh lý một số bất động sản không còn sử dụng để thu hồi vốn đầu tư nhằm tập trung cho dự án mới, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2025.