|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lợi nhuận ngân hàng vẫn tiếp đà tăng trưởng, 10 ngân hàng lãi trước thuế 9 tháng gấp rưỡi cùng kỳ

10:04 | 09/11/2022
Chia sẻ
9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả quan với 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng 50% so với cùng kỳ, 7 ngân hàng vượt 10.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ

Kết thúc 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khả quan với 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng 50% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 7 nhà băng đã ghi nhận con số lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng bao gồm Vietcombank (24.940 tỷ), Techcombank (20.822 tỷ), VPBank (19.837 tỷ), MB (18.192 tỷ), BIDV (17.000 tỷ), VietinBank (15.764 tỷ) và ACB (13.503 tỷ).

Theo thống kê của người viết từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng của các ngân hàng đạt 199.500 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, động lực chính vẫn đến từ hoạt động tín dụng, khi thu nhập lãi thuần chiếm 67% tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng.

Một số ngân hàng có thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ có thể kể đến như Vietbank (70%), Eximbank (64%), LienVietPostBank (45%), MB (39%) hay HDBank (38%),...

Kết quả này có được nhờ tín dụng của hệ thống nói chung và các ngân hàng nói riêng đều tăng trưởng mạnh. Tính tới cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 11,5% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 16,5% so với cùng kỳ. Đây tiếp tục là mức tăng trưởng tín dụng cuối tháng 10 cao nhất kể từ năm 2018 cho tới nay.

Trong khi đó, các ngân hàng nhanh chóng sử dụng hết hạn mức (room) tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ từ đầu năm. Giữa tháng 9, NHNN đã thực hiện cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại và đầu tháng 10, nhà điều hành cũng đã thực hiện nới room cho 4 ngân hàng tham gia cơ cấu tại các tổ chức tài chính yếu kém.

 

Song, các khoản thu nhập ngoài lãi cũng đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng thu nhập của nhiều nhà băng. Đơn cử như Techcombank, thu nhập phí dịch vụ của ngân hàng này tăng trưởng mạnh nhờ sự gia tăng của bảo hiểm và L/C. Hai mảng này có mức tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là 85,5% và 188,4%.

Hay với Vietcombank, không chỉ tín dụng tăng trưởng cao, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý III của ngân hàng đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 58,7% so với quý trước. Mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh so với quý liền kề nhờ Vietcombank không còn thực hiện ghi giảm phí trả trước trong quý II do Vietcombank đã ghi nhận phí trả trước cả năm trong quý I, theo Chứng khoán Bảo Việt.

Trong quý IV, Vietcombank sẽ ghi nhận khoảng 850 tỷ đồng phí trả trước giúp cho thu nhập từ phí dịch vụ tiếp tục tăng mạnh so với quý III.  

Một ví dụ điển hình khác là VPBank với lợi nhuận cao kỷ lục trong quý I cũng như 9 tháng đầu năm, nhờ ghi nhận khoản thu nhập hơn 7.000 tỷ đồng là phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền được tái ký với AIA.

Mặt khác, nhiều ngân hàng do điều chỉnh giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ cũng có thể ghi nhận mức lợi nhuận cao hơn như ACB (94%), MB (giảm 26%) hay BIDV (giảm 17%).

Cán đích lợi nhuận năm trong bối cảnh khó khăn

Tính đến cuối quý III, đã có ba ngân hàng hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra đầu năm là Eximbank, Saigonbank và LienVietPostbank. Cụ thể,  lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank đạt hơn 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2022  là 2.500 tỷ đồng. 

Saigonbank cũng vượt mốc lợi nhuận sớm ngay 9 tháng đầu năm với 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,5% so với cùng kỳ và thực hiện 124% kế hoạch năm. LienVietPostBank lãi gần 4.900 tỷ trước thuế 9 tháng, tăng 72% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm là 4.800 tỷ đồng.

Nhóm 10 ngân hàng khác đã thực hiện được trên 80% kế hoạch có thể kể đến Ngân hàng Bản Việt (94%), PG Bank và ACB (90%), MB (89%), Sacombank (84%),...

Dù vậy, những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với biến động trên thế giới, dư địa tăng trưởng tín dụng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất huy động tăng cao. Đồng thời, áp lực trích lập dự phòng có thể sẽ gia tăng khi càng về cuối năm, con số nợ xấu càng lộ rõ.

Trước bối cảnh đầy thách thức trên, lãnh đạo ngân hàng vẫn tự tin có thể cán mốc lợi nhuận đã đề ra vào đầu năm. Tại Hội nghị nhà đầu tư – Cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2022”,  ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết hiện nay, ngân hàng đang định hướng tăng trưởng dần nguồn thu dịch vụ và các nguồn thu khác ngoài thu từ lãi.

"Do đó biến động tỷ giá và lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của ngân hàng. Với kết quả của HDBank trong ba quý đầu năm, chúng tôi tin rằng ngân hàng sẽ vượt được các chỉ tiêu đã đề ra trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)," đại diện HDBank cho hay.

Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank, bà Lưu Thị Thảo cho biết những con số kết quả kinh doanh 9 tháng cho thấy ban lãnh đạo ngân hàng đã và đang rất linh hoạt trong việc điều hành kinh doanh. Trong thời gian tới, trước những áp lực và khó khăn thách thức chung của thị trường, ngân hàng sẽ đưa mục tiêu thanh khoản lên hàng đầu và tự tin có thế hoàn thành vượt mức kế hoạch đã cam kết với ĐHĐCĐ.

Tiến độ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm của các ngân hàng. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Phương Nga

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.