Lợi nhuận 17.100 tỷ đồng của Techcombank đến từ đâu?
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất của ngân hàng này từ trước đến nay, thậm chí vượt cả mức thực hiện được trong cả năm ngoái.
Cụ thể, nhờ cắt giảm được chi phí lãi xuống gần 19%, trong khi thu nhập lãi vẫn tăng trưởng gần 22%, hoạt động tín dụng đã thu về cho Techcombank 19.454 tỷ đồng lãi thuần, tăng 46,5% so với cùng kỳ và là động lực lớn nhất giúp ngân hàng báo lãi lớn trong thời gian qua.
Mảng dịch vụ với sự khởi sắc của hoạt động thanh toán và tiền mặt cũng đã đem về cho Techcombank 4.279 tỷ đồng lãi thuần, tăng 27,7%. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, hợp tác bảo hiểm và môi giới chứng khoán cũng đóng góp một phần không nhỏ trong thu dịch vụ.
Trong khi đó, mảng chứng khoán kinh doanh và góp vốn, mua cổ phần tuy sụt giảm mạnh nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập hoạt động.
Trong 9 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của Techcombank là 7.782 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ mức 33,6% xuống còn 28,9%, cho thấy ngân hàng đã quản lý chi phí chặt chẽ trong bối cảnh dịch bệnh. Chi phí chủ yếu tăng do nâng lương và phúc lợi của người lao động.
Việc mạnh tay cắt giảm dự phòng trong quý III cũng đã giúp khoản chi phí này trong 9 tháng đầu năm giảm 9,2% xuống còn 2.037 tỷ đồng.
Kết quả, Techcombank báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt là 17.098 tỷ và 13.715 tỷ đồng, tăng 59,6% và 59,9% so với cùng kỳ 2020.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Techcombank đạt 541.635 tỷ đồng, tăng 23,2% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Tổng dư nợ cho vay khách hàng là 321.042 tỷ đồng, tăng 15,7%, gần chạm mức trần được Ngân hàng Nhà nước nới thêm thời gian vừa qua. Tiền gửi khách hàng tăng 14% lên 316.376 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tính đến cuối quý III, nợ xấu Techcombank tăng 41,2% so với đầu năm lên 1.829 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 74%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng lần lượt là 23% và 28%.
Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,47% thời điểm đầu năm lên 0,57% thời điểm 30/9.