Lời hứa hai nhiệm kỳ của Bộ trưởng Y tế
Thời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra một cam kết cụ thể về thời gian chấm dứt tình trạng nằm ghép trong bệnh viện. Đó cũng là trung tâm của phần lớn các chuyến kiểm tra, các phát ngôn và quyết sách của Bộ trưởng từ năm 2011 đến nay.
Bệnh nhi nằm bên gốc cây tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Y tế ngày 28/11/2011. Ảnh: Thiên Chương.
"Bốn người một giường"
Ngày 26/3/2012, tân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời chất vấn. Một sự kiện đặc biệt. Khi mới ra đời, các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ chỉ gói trong không gian phòng họp tại Hà Nội, với các đại biểu chuyên trách.
Nhưng hôm đó, lần đầu tiên sự kiện này được kết nối trực tuyến. Bộ trưởng Y tế vừa được bổ nhiệm 7 tháng, nhận chất vấn của đại biểu từ tất cả các tỉnh thành.
Một thời lượng lớn của buổi chất vấn dành cho chủ đề quá tải giường bệnh. "Tình trạng hai người nằm một giường, Bộ hứa sẽ khắc phục nhưng chưa khắc phục. Trách nhiệm của Bộ như thế nào?", đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) hỏi.
Bộ trưởng Y tế đứng dậy, sửa lại lời của đại biểu, rằng với các khoa ung bướu, thì không chỉ có hai người, mà hiện trạng có "ba đến bốn người một giường" như tại bệnh viện Bạch Mai.
Trước khi bàn về đề án vĩ mô, bà Bộ trưởng mở đầu bằng giải pháp trực tiếp cho bốn bệnh viện tuyến Trung ương, là Bạch Mai, Tim mạch Trung ương, Ung bướu Trung ương và Chợ Rẫy. Bà khẳng định đã "ép" các lãnh đạo Bạch Mai và Tim mạch phải sắp xếp ngay tầng mới, giường mới trong tháng 5/2012.
"Trong TP HCM tập đoàn Cao su miền Nam đã cho 5 héc ta ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân và (Bộ Y tế) cũng đề nghị ốp bệnh viện Chợ Rẫy phải ra cơ sở 2 đấy. Năm nay chúng tôi cũng dồn toàn bộ trái phiếu là 300 tỷ cho bệnh viện K và quyết tâm năm nay bệnh viện K phải ra cơ sở hai được 300 giường", Bộ trưởng nói.
Một tháng sau buổi chất vấn trên, Bộ Y tế trình chính phủ Đề án giảm tải giường bệnh. Đề án này được thông qua với thời hạn cụ thể: "cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện".
Trong suốt nhiều năm trước đó, bất chấp các chất vấn, Bộ Y tế chưa bao giờ đưa ra lời hứa chính xác về thời hạn giảm tải, chỉ dừng lại ở "quyết tâm". Lời hứa cụ thể chỉ được đưa ra trong nhiệm kỳ của bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: năm 2020.
Nhiều dự định đã trở thành hiện thực. Bệnh viện K cơ sở 2 được khánh thành tháng 8/2012, và cơ sở Tân Triều được khánh thành năm 2016. Ở thời điểm Bộ Y tế trình đề án, công suất sử dụng giường tại bệnh viện K có lúc lên đến 249%, tức là 5 bệnh nhân chia nhau 2 giường bệnh. Đến giữa năm 2019, tỷ lệ này được khẳng định đã về gần 100%.
Nhưng ý tưởng về "bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2" đến nay vẫn là phối cảnh 3D. Đề án xây dựng đến cuối năm 2018 mới được TP HCM phê duyệt quy hoạch. Ghi nhận của VnExpress cho thấy mỗi ngày Chợ Rẫy đang gánh 5.000 đến 7.000 lượt người đến khám chữa bệnh. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến cuối, khi chỉ chưa đầy hai tháng nữa là đến mốc 2020.
Nan đề giường bệnh
Năm ngoái, Bộ Y tế khẳng định quá nửa số bệnh nhân tại bệnh viện tuyến Trung ương thật ra có thể điều trị được ở tuyến dưới. Trong số này lại có gần một nửa có thể điều trị ngay từ tuyến huyện.
"Vượt tuyến" được nhận định là nguyên nhân cốt lõi gây quá tải. Thống kê ở đầu nhiệm kỳ của Bộ trưởng Tiến cho thấy có 37% bệnh viện quá tải; nhưng cũng có đến 29% số bệnh viện thiếu bệnh nhân. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh năm 2012 tại miền núi phía Bắc chỉ là 48%; Bắc Trung Bộ là 70%.
Nan đề thiếu giường bệnh ở các bệnh viện tuyến trên được tạo ra từ tất cả các bên liên quan. Người bệnh không tin tưởng vào y tế tuyến dưới, không tin vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tin rằng ở tuyến cao hơn thì chế độ thanh toán, thuốc men, dịch vụ y tế sẽ được cao hơn, nhiều kỹ thuật tốt hơn.
Nhân lực ngành y tế ở các tuyến dưới cũng thiếu, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa. Các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã rất thiếu bác sĩ hoặc bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều chuyên khoa. Bác sĩ răng hàm mặt trực cấp cứu cả ngoại, sản.
Với các bệnh viện tuyến trên, cơ chế tự chủ tài chính từ giữa thập niên trước khiến cho nhiều bệnh viện có xu hướng chủ động thu hút thêm bệnh nhân. "Bệnh nhẹ, bệnh nặng các bệnh viện đều nhận cả. Liệu mở rộng quy mô có giảm quá tải hay lại quá tải thêm?", một thành viên xây dựng đề án giảm tải của Bộ nghi ngờ.
Và cuối cùng là bài toán ngân sách - vấn đề mà năm 2013, Bộ trưởng Y tế nói bên hành lang Quốc hội, rằng "phải hỏi Nhà nước, vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị".
Bốn bệnh nhân ngồi một giường trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Y tế ngày 8/12/2016. Ảnh: Nam Phương.
Những nguyên nhân cố hữu tạo ra cuộc giằng co kéo dài. Năm 2015 theo đề án là thời hạn "cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép", và nhiều bệnh viện Trung ương đã cam kết không để xảy ra tình trạng này. Nhưng một năm sau đó, bà Tiến vẫn phải đứng trước những chiếc giường có 4 bệnh nhân ung thư ngồi chung ở bệnh viện K Tân Triều.
Chuỗi hành động 8 năm
"Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh bốn người ngồi cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không?", bà hỏi lãnh đạo bệnh viện K tháng 12/2016.
Chuỗi hành động của Bộ trưởng Y tế trong gần 2 nhiệm kỳ hầu hết xoay quanh việc chống lại hình ảnh đó. Năm 2013, Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành chế độ luân phiên có thời hạn, đưa nhân lực từ bệnh viện tuyến trên xuống bệnh viện tuyến dưới.
Cùng thời gian này, mô hình "bệnh viện vệ tinh" được xây dựng. Trong mô hình này, hạt nhân là các bệnh viện lớn của Trung ương và hai thành phố lớn - sẽ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ và thậm chí tham gia hội chẩn cùng các bệnh viện vệ tinh, những bệnh viện tuyến tỉnh.
Cho đến năm 2018, Bộ Y tế khẳng định tỷ lệ chuyển tuyến từ các bệnh viện vệ tinh đã giảm hơn 90% với các chuyên khoa như tim mạch hay ung thư. Hiện đã có 119 bệnh viện vệ tinh xoay quanh 23 bệnh viện hạt nhân.
Bộ Y tế dành một thời lượng lớn trên truyền thông để tuyên truyền về sự đổi mới của chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, đặc biệt là trạm Y tế xã. Bộ xây dựng đề án 26 trạm y tế xã điểm trong cả nước và lên kế hoạch nhân rộng.
Bộ trưởng cũng thân chinh đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện về các huyện nghèo. Trong chương trình bác sĩ trẻ tình nguyện, các sinh viên y khoa giỏi sẽ được cho học bác sĩ chuyên khoa 1, đưa về các vùng khó khăn trong 2-3 năm trước khi trở về tuyến trên.
"Việc này nên phải được thực hiện như một nghĩa vụ của các bác sĩ - ngay cả những người đã nhiều tuổi, đã có vị thế tại các bệnh viện tuyến trên. Đây là nghĩa vụ mà đất nước, chứ không phải Bộ Y tế, đặt lên vai những người thầy thuốc. Các bệnh viện tuyến trên sẽ luôn quá tải nếu người dân không tin tưởng vào y tế xã", bà viết trên VnExpress tháng 7/2017, sau khi bàn giao bảy bác sĩ cho Bắc Hà, một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai.
Số giường bệnh thực kê tại Việt Nam trong 5 năm thực hiện đề án giảm tải tăng 56.501 giường. Tuyến Trung ương tăng 8.822 giường, tuyến tỉnh thành phố tăng 24.290 giường; tuyến quận, huyện tăng 23.325 giường.
Trong thời gian này, Bộ Y tế khẳng định 63% số bệnh viện tuyến Trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, và ngược lại 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng.
Sáng 15/10/2019, tổng thư ký Quốc hội công bố lộ trình miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cùng thời điểm đó, bà Bộ trưởng đang làm việc tại Thái Nguyên, "chuyến công tác cuối cùng trong tư cách Bộ trưởng", như lời bà tự nhận.
Trong chuyến công tác đó, hình ảnh được các báo đăng tải nhiều nhất là Bộ trưởng thăm một em bé mới chào đời tại bệnh viện A Thái Nguyên.
Năm 2013, khi bà bắt đầu thực hiện đề án giảm tải, cứ 200 bé sơ sinh chào đời ở viện A Thái Nguyên thì 17 em phải chuyển tuyến trên. Bốn năm sau đó, tỷ lệ này giảm 61%.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong "chuyến công tác cuối cùng" tại Thái Nguyên. Ảnh: Bộ Y tế.
Nhưng cũng Thái Nguyên, bất chấp việc có một đại học Y trên địa bàn, lúc này chỉ có 900 bác sĩ cho gần 1,4 triệu dân. Tỷ lệ 6,5 bác sĩ trên 10.000 dân của tỉnh thấp hơn mặt bằng cả nước, và "rất thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ có tay nghề cao".
Đến năm 2019, Việt Nam còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ. Có đến 86,4% bệnh nhân tăng huyết áp và gần 70% bệnh nhân đái tháo đường không được phát hiện bệnh. Trong năm cuối nhiệm kỳ Bộ trưởng Tiến, Bộ Y tế tự đánh giá rằng y tế cơ sở, một trong những tiền đề của vượt tuyến và quá tải, vẫn "còn nhiều khoảng trống".
Chiều nay, 22/11, tại Quốc hội, sau một nhiệm kỳ thứ trưởng và 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Y tế, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ nhận quyết định miễn nhiệm và chuyển sang vị trí Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
"Nhìn lại 2 nhiệm kỳ của tôi, toàn ngành đã nỗ lực giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề quá tải bệnh viện, thái độ phục vụ và tài chính". Nhưng theo Bộ trưởng, những người bệnh chỉ chiếm 5 đến 10% dân số, việc chăm sóc những người khỏe, y tế dự phòng và phát hiện bệnh sớm rất quan trọng.
"Đi bệnh viện chỉ là cái sau cùng thôi. Nhưng vừa rồi mình phải tập trung vào bệnh viện để hạ hỏa những bức xúc của người dân. Người dân quá bức xúc", bà nói.
"Tôi muốn nhắn gửi nhân dân hãy cố gắng nâng cao sức khỏe, sống lành mạnh, tránh xa rượu bia thuốc lá để phòng bệnh. Còn với các cán bộ ngành y tế, tôi muốn mọi người hãy đặt tinh thần tất cả vì nhân dân phục vụ lên cao nhất. Mình học ra cũng chỉ vì mục đích ấy thôi", bộ trưởng chia sẻ với VnExpress trong sáng 22/11, trên đường ra Quốc hội.