|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lối đi an toàn cho thép Việt khi xuất khẩu sang Mỹ

16:25 | 20/12/2019
Chia sẻ
Để không phải đối mặt với rủi ro Mỹ áp thuế chống lẩn tránh, các cơ quan chức năng, hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia chưa bị Mỹ áp thuế chống bán phá.

Đã có cảnh báo từ trước

Ngày 16/12, Bộ thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép có xuất xứ từ Hàn Quốc, Đài Loan được chuyển đến Việt Nam để gia công đơn giản và sau đó xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đó, DOC cho biết họ đã tìm thấy một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam sử dụng thép nguyên liệu có nguồn gốc từ những nước đã bị áp thuế chống bán phá là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với người viết bên lề hội nghị "Hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong xuất khẩu", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết trước đây, các cơ quan chức năng Mỹ cho rằng việc nhập khẩu thép cán nóng từ các nước/vùng lãnh thổ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc sau đó về cán nguội vẫn đảm bảo qui tắc xuất xứ. 

ầ

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại. Ảnh: ĐQ

Tuy nhiên, do nước này thay đổi một số chính sách, hiện nay cơ quan điều tra Mỹ cho rằng hành động này chưa có sự chuyển đổi, gia công đáng kể, do đó chưa đáp ứng được qui tắc xuất xứ.

Ông Trung cho hay trước khi Mỹ khởi xướng điều tra Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp để đưa ra những cảnh báo.

"Chúng tôi đã đưa ra những cảnh báo đối với doanh nghiệp thép về nguy cơ bị Mỹ áp dụng thuế chống lẩn tránh nếu sử dụng nguyên liệu từ các nguồn như Hàn Quốc, Đài Loan", ông Trung cho biết. 

Theo Bộ Công Thương, Bộ đã trao đổi trực tiếp, đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Mỹ để ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tham gia phiên điều trần do Bộ Thương mại Mỹ tổ chức để bày tỏ quan điểm và có các cuộc họp với Bộ Thương mại Mỹ để làm rõ đề nghị của Việt Nam.

Lối đi an toàn cho thép Việt khi xuất khẩu sang Mỹ

Ông Trung cũng khuyến cáo để tránh việc bị Mỹ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, doanh nghiệp cần sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia không bị Mỹ áp thuế.

Trao đổi với người viết, Ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép, cho biết hiện nay nhà máy của Fomosa đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thép cuộn cán nóng (nguyên liệu để sản xuất thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn). 

"Năm ngoái, Fomosa sản xuất được 3,8 triệu tấn thép cuộn cán nóng. Năm nay dự kiến sản lượng khoảng 4 triệu tấn, tương đương với 50% nhu cầu của doanh nghiệp nội địa. 

Trong khi đó, sản lượng thép ăn chống ăn mòn và thép cuộn cán nguội xuất khẩu sang Mỹ hàng năm không nhiều, chỉ khoảng vài trăm nghìn tấn. 

Do đó, với sản lượng 4 triệu tấn thép cuộn cán nóng hoàn toàn đủ nguồn cung so với nhu cầu để xuất khẩu sang Mỹ", ông Sưa nói.

Ngoài ra, theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2020. 

Dự kiến, sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, công suất thép cuộn cán nóng sẽ đạt 2,4 - 3 triệu tấn/năm. 

Đại diện của Hòa Phát cho biết: "Tập đoàn sẽ dồn lực hoàn thành giai đoạn 2 của Dung Quất, phấn đấu quí II/2020 sẽ có sản phẩm thép HRC và đến cuối 2020 sẽ làm chủ được toàn bộ dây chuyền thiết bị".

Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép thông tin thêm trước đây giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc rẻ. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, giá thép cuộn cán nóng của nước này đã bắt đầu tăng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong khoảng 2 năm trở lại đây, mức giá thép cuộn cán nóng nhập khẩu đạt cao nhất được ghi nhận là gần 620 USD/tấn vào hồi đầu tháng 3/2018.

Tuy nhiên, trong năm 2019, giá thép cuộn cán nóng hạ nhiệt vào cuối năm. Theo đó, giá  thép cuộn cán nóng nhập khẩu ngày 8/11 ở mức 438 - 440 USD/tấn, giảm khoảng 10 - 12 USD/tấn với ngày 8/10. So với đầu năm 2019, mức giá hiện tại giảm khoảng 80 USD/tấn.

Theo ông Trung, lệnh thuế 456% đối với sản phẩm thép chống ăn mòn của Việt Nam vừa qua không hoàn toàn áp dụng đối với tất cả doanh nghiệp trong ngành mà chỉ có hiệu lực với doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ không bị áp mức thuế này. 

Trong một thông cáo mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho biết tập đoàn không thuộc danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế chống lẩn tránh. 

DOC cho phép Tập đoàn Hoa Sen tham gia qui trình chứng nhận các lô hàng tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu vào thị trường Mỹ mà không sử dụng thép nền từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan thì sẽ không bị áp thuế chống lẩn tránh.

Đại diện của Hoa Sen cho biết hiện tại sản lượng xuất khẩu đi Mỹ của Tập đoàn Hoa Sen chiếm khoảng 4% doanh thu và lợi nhuận của niên độ và nguồn nguyên liệu chủ yếu là của Formosa Việt Nam.




H.Mĩ