|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời cảnh báo cho các “tân binh” lên sàn

08:24 | 20/12/2016
Chia sẻ
Trong 11 tháng, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành 114 quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính đối với 63 tổ chức và 51 cá nhân, với tổng số tiền phạt 10,9 tỷ đồng.

Cùng với sức ép của chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, vừa có hiệu lực theo Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, cơ chế gắn cổ phần hóa với lên sàn tại Thông tư 115/2016 sửa đổi Thông tư 196/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền từ cổ phần hóa, đang tạo ra sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp lên sàn. Điều này được thể hiện rõ nét trên sàn UPCoM.

Ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Phòng Thẩm định niêm yết, Sở GDCK Hà Nội (HNX), cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 160 doanh nghiệp lên sàn UPCoM. Riêng tháng 11/2016 có 100 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ lên UPCoM. Dự kiến năm 2017 sẽ đưa toàn bộ công ty đại chúng chưa niêm yết lên UPCoM, đúng theo quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán.

Một lỗi phổ biến mà các doanh nghiệp mới lên sàn hay mắc phải và bị xử phạt nhiều là cổ đông lớn, cổ đông nội bộ không chấp hành quy định về công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu.

- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chánh Thanh tra UBCK.

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp lên sàn được dự báo sẽ còn gia tăng mạnh mẽ, có một điểm mà lãnh đạo các doanh nghiệp cần lưu ý, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp có địa bàn hoạt động ở xa trung tâm, đó là phải nắm rõ và tuân thủ các nghĩa vụ công bố thông tin, nếu không muốn đối mặt với các chế tài xử phạt.

Quá trình phát hiện và xử lý vi phạm của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho thấy, nhiều doanh nghiệp vì mới lên sàn, nên một mặt chưa nắm chắc các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin, mặt khác chưa tạo được nề nếp và thói quen minh bạch thông tin, do đó thường hay bị xử phạt.

“Một lỗi phổ biến mà các doanh nghiệp mới lên sàn hay mắc phải và bị xử phạt nhiều là cổ đông lớn, cổ đông nội bộ không chấp hành quy định về công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu theo quy định tại Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính, hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán…”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó chánh Thanh tra UBCK cho hay.

Cũng theo bà Hương, trình tự, thủ tục công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu mà cổ đông lớn, cổ đông nội bộ phải tuân thủ là khá đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, vì chưa nắm rõ quy định này, nên trong thực tế, nhiều cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp là cổ đông nội bộ thường mắc phải. Theo đó, thông tin về vi phạm và việc bị xử phạt được công bố rộng rãi ra thị trường.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, nếu vì lỗi vô ý chứ không phải cố tình, thì UBCK có xem xét giảm nhẹ hình phạt không, bà Hương cho biết, trong quá trình xem xét cụ thể vụ việc, UBCK sẽ căn cứ vào các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ để áp khung hình phạt cho phù hợp, nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm.

Vì mới hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nên một số lỗi khác mà các doanh nghiệp hay mắc phải là vi phạm các quy định về họp đại hội đồng cổ đông, mua bán cổ phiếu quỹ, dùng cổ phiếu quỹ làm tài sản đảm bảo, góp vốn hoặc hoán đổi…

Trong số 114 quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính mà UBCK đã áp dụng trong 11 tháng qua đối với 63 tổ chức và 51 cá nhân, với tổng số tiền phạt 10,9 tỷ đồng, có một hành vi vi phạm khá phổ biến khác bị xử phạt là doanh nghiệp chậm đăng ký công ty đại chúng với UBCK theo quy định.

“Do không nắm được quy định về thời hạn phải đăng ký công ty đại chúng, nên thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp bị UBCK xử phạt do vi phạm quy định này…”, bà Hương cho biết.

Mới đây, thêm nhiều doanh nghiệp bị UBCK xử phạt do vi phạm thời hạn đăng ký công ty đại chúng như CTCP Giống Gia súc Hà Nội (bị cảnh cáo do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định 1 tháng), CTCP Armephaco (bị phạt 40 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng)…

Hữu Đạo

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.