|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất: Xuất hiện tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm xăng

08:08 | 29/01/2022
Chia sẻ
Trước việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn – Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.

Theo Bộ Công Thương, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị xử phạt này.

Kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Đối với Vụ Thị trường trong nước, chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công Thương cấp theo thẩm quyền.

Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn là Công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008 do bốn thành viên góp vốn, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI), trong đó PVN góp vốn 25,1%.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNNTDN) - cơ quan chủ quản của PVN - được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn này.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, do đó chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này sẽ tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước.

Trước đó, sáng ngày 28/1, Hội đồng thành viên PVN đã họp và đưa ra một số quyết sách để đảm bảo việc sản xuất tiếp tục của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian tới. PVN cho hay đang nỗ lực đàm phán, thuyết phục và thống nhất với các bên góp vốn nước ngoài về giải pháp tái cấu trúc tổng thể NSRP nhằm duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả Công ty cũng như đảm bảo quyền lợi của PVN và phía Việt Nam.

H.Mĩ