Loạt tín hiệu cho thấy nửa sau 2022 kinh tế phục hồi mạnh, quý III có thể tăng đến 14%, lạm phát được kiểm soát
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh với lạm phát được kiểm soát.
Ngoài việc tăng trưởng GDP quý II đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ góp phần nâng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 lên 6,42% mức cao nhất trong 3 năm qua, VCSC chỉ ra loạt tín hiệu lạc quan.
Ở lĩnh vực lao động, nền kinh tế đã có thêm 1 triệu việc làm trong quý I và gần 0,5 triệu việc làm trong quý II.
Số lao động có việc làm hiện đã quay trở lại mức trước dịch COVID-19 với hơn 50,4 triệu (so với 50,3 triệu trong quý II/2019).
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Sản xuất vẫn tăng mạnh với IIP toàn ngành công nghiệp tăng 8,7% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
IIP ngành chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính khi tăng 9,7% trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, PMI ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục mở rộng (trên 50) trong tháng thứ 9 liên tiếp.
Sức tiêu thụ phục hồi trong nửa đầu năm với tổng doanh thu bán lẻ tăng 11,7% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% so với cùng kỳ, cùng kỳ năm ngoái tăng 1,9%).
Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục là 10,1 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ). VCSC tin rằng việc mở lại các biên giới quốc tế sẽ giúp tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và nghiên cứu khả thi, đồng thời việc tăng vốn đăng ký cho các dự án mới và mở rộng vào năm 2021 sẽ đảm bảo rằng giải ngân FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 và 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 185,9 tỷ USD (tăng 17,3% so với cùng kỳ) và 185,2 tỷ USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ), dẫn đến xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ 2021 thâm hụt 1,9 tỷ USD).
Tỷ giá USD/VND tăng 2,0% trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, VCSC đánh giá tỷ giá USD/VND là một trong những tỷ giá duy trì ổn định nhất trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2022. Các chuyên gia tại đây kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng 2,5% trong năm 2022 (cao hơn mức kỳ vọng 1,0% đưa ra vào tháng 3/2022) do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và đồng USD tăng mạnh.
Đáng chú ý, dù lạm phát gia tăng trên toàn cầu, lạm phát của Việt Nam vẫn trong vùng kiểm soát với CPI bình quân trong nửa đầu năm 2022 ở mức 2,25% - mức thấp thứ hai trong cùng giai đoạn kể từ năm 2017. Vì vậy VCSC duy trì dự báo CPI trung bình ở mức 3,5% cho năm 2022.
Chứng khoán MB (MBS) mới đây cũng đưa ra đánh giá trong các tháng cuối năm 2022 áp lực lạm phát sẽ giảm so với các tháng đầu năm mặc dù vẫn duy trì ở mức cao so với mọi năm.
Về mặt chi phí đẩy, MBS cho rằng giá các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới sau khi tạo đỉnh đã có xu hường điều chỉnh giảm trở lại sẽ làm giảm sức ép lạm phát. Các mặt hàng dịch vụ công như giáo dục và y tế đã được điều chỉnh theo lộ trình. Giá điện và giá xăng dầu sẽ có sự hỗ trợ của Chính phủ để giữ ổn định.
Về mặt cầu kéo, sức cầu bị nén sau dịch COVID-19 sẽ giảm trở lại mức bình thường đặc biệt là các lĩnh vực dich vụ vui chơi giải trí và du lịch. Sức cầu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam từ thị trường thế giới có thể giảm khi các nền kinh tế lớn chịu áp lực suy giảm do mặt bằng lãi suất tăng.
Về nguyên nhân tiền tệ, chính sách kìm chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trong quý II và quý III sẽ làm giảm áp lực lên CPI trong các tháng cuối năm 2022.
Quý III sẽ tăng trưởng mạnh
Mức nền thấp của quý III năm ngoái cũng là cơ sở để thêm kỳ vọng quý III năm nay tăng trưởng cao, góp phần nâng tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2022.
Cùng nhận định trên, các chuyên gia của Chứng khoán Agribank (Agriseco) dự báo tăng trưởng kinh tế trong hai quý cuối năm tiếp tục ở mức cao trên 7% khi nền so sánh năm ngoái ở mức thấp và xu hướng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất vào nửa cuối năm.
Còn CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 14% trong quý III nhờ động lực tăng từ sự hồi phục của tiêu dùng và sản xuất và do mức nền thấp của quý III năm ngoái. Ngân hàng UOB Singapore dự báo tăng trưởng quý III là 7,6%
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô công bố hôm 19/7, CTCP Chứng khoán VNDirect cũng dự báo GDP sẽ tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm.
"Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,8% trong 6 tháng cuối năm, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%", các chuyên gia tại đây cho hay. Riêng trong quý III, công ty này dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt tới 11%.
Trong khi đó ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự báo tăng trưởng quý III sẽ tăng vọt nhờ tiêu dùng trong nước tăng mạnh.
"GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong quý II và chúng tôi kỳ vọng sẽ còn tăng vọt trong quý III nhờ vào sự tiếp tục gia tăng của tiêu dùng trong nước. Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu chậm lại và đặc biệt là ở nền kinh tế Mỹ sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, nhưng dự báo tăng trưởng GDP 7,5% của chúng tôi đã giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn trong năm nay", ông nói.
Theo kịch bản tăng trưởng hai quý cuối năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xây dựng, với mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, quý III cần tăng 7,9%. Ở kịch bản thứ hai, quý III phải tăng trưởng 9% để cả năm đạt mức tăng 7%.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 4/7, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở phục hồi kinh tế 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả năm nay có thể đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra là 6 - 6,5%.