|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Loạt lãnh đạo DDG tiếp tục bị bán giải chấp khi giá mất gần 80% từ đỉnh

15:00 | 26/05/2023
Chia sẻ
Sau một tháng rưỡi biến động, đến nay cơ cấu cổ đông của Indochine Imex đã có nhiều biến đổi. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thanh Quang và Tổng Giám đốc Trần Kim Sa không còn là các cổ đông lớn của công ty khi sở hữu cùng giảm từ 6,33% xuống chỉ còn hơn 2%.

Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong phiên giao dịch 18/5, loạt lãnh đạo CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, mã: DDG) đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 1,63 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, sở hữu của vị chủ tịch giảm từ 3 triệu đơn vị (tỷ lệ sở hữu 4,95%) xuống còn 1,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,23%).

Một lãnh đạo khác là bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bị bán giải chấp 700.000 cổ phiếu. Hạ sở hữu từ 2,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,84%) xuống còn 1,6 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,67%).

Tương tự, ông Trần Kim Cương, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đồng thời là em ruột của bà Trần Kim Sa bị bán giải chấp 210.000 cổ phiếu. Sở hữu giảm tương ứng từ 1,96 triệu đơn vị (tỷ lệ 3,28%) xuống còn 1,75 triệu đơn vị (tỷ lệ 2,92%).

Trước đó, hai thành viên khác trong gia đình bà Sa cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp là ông Yang Kiều An, con bà Sa, bị bán khớp lệnh 178.800 cổ phiếu trong phiên 28/5. Sở hữu giảm tương ứng từ 477.400 đơn vị (tỷ lệ 0,8%) xuống còn 297.400 đơn vị (tỷ lệ 0,5%). Sau khi bị bán giải chấp, ông Yang Kiều An đã bán khớp lệnh toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ còn lại trong phiên 16/5.

Thành viên gia đình còn lại là bà Trần Ngọc Phụng, em dâu bà Sa, bị bán giải chấp và bán cổ phiếu theo đăng ký tổng cộng 2.710.400 cổ phiếu (tỷ lệ 4,53%) trong thời gian 8/5 – 10/5, theo phương thức giao dịch khớp lệnh. Sau giao dịch, bà Phụng cũng không còn nắm giữ cổ phiếu DDG nào.

Việc loạt lãnh đạo công ty bị bán giải chấp và chủ động bán diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DDG vừa trải qua giai đoạn nhiều biến động. Theo đó, sau chuỗi "uptrend" 4 năm, cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc khi giảm sàn 19 phiên liên tiếp (10/4 - 9/5), khiến giá giảm 86% từ 42.200 đồng/cp xuống còn 6.000 đồng/cp trong vòng một tháng.

Sau chuỗi giảm sàn này, DDG lại quay đầu tăng trần 5 phiên liên tiếp (10/5 - 17/5) và đi ngang cho đến nay. Giải trình nguyên nhân, Indochine Imex cho biết giá cổ phiếu DDG tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường.

"Ngoài ra, quy hoạch điện 8 vừa chính thức được phê duyệt trong đó có đồng phát nhiệt điện và điện rác thuộc các dự án của Đông Dương cũng là yếu tố tạo nên tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Indochine Imex cam kết luôn tuân thủ các quy đinhh pháp luật, công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty." DDG nêu trong công văn giải trình.

Kết phiên sáng 26/5, giá mã cổ phiếu DDG đang neo ở 9.400 đồng/cp, bốc hơi khoảng 78% giá trị so với đỉnh cách đây một tháng rưỡi. 

Cổ đông

Sổ hữu trước khi cổ phiếu DDG giảm sàn (10/4)

Sở hữu sau khi cổ phiếu DDG giảm sàn (25/5)

Ông Nguyễn Thanh Quang

3,8 triệu cp, tỷ lệ 6,33%

1,3 triệu cp, tỷ lệ 2,23%

Bà Trần Kim Sa

3,8 triệu cp, tỷ lệ 6,39%

1,6 triệu cp, tỷ lệ 2,67%

Bà Trần Ngọc Phụng

2,7 triệu cp, tỷ lệ 4,53%

0 cp

Ông Trần Kim Cương

2,5 triệu cp, tỷ lệ 4,11%

1,75 triệu cp, tỷ lệ 2,92%

Ông Yang Tuấn An

2 triệu cp, tỷ lệ 3,42%

1 triệu cp, tỷ lệ 1,67%

Ông Yang Kiều An

1 triệu cp, tỷ lệ 1,67%

0

Ông Yang Hỷ An

1 triệu cp, tỷ lệ 1,67%

1 triệu cp, tỷ lệ 1,67%

Sau một tháng rưỡi biến động, đến nay cơ cấu cổ đông của Indochine Imex đã có nhiều biến đổi. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thanh Quang và Tổng Giám đốc Trần Kim Sa không còn là các cổ đông lớn của công ty khi sở hữu cùng giảm từ 6,33% xuống chỉ còn hơn 2%.

Bên cạnh đó, hai thành viên trong gia đình bà Sa là bà Trần Ngọc Phụng và ông Yang Kiều An đều không còn là cổ đông của công ty. Tổng tỷ lệ sở hữu của bà Sa và gia đình giảm hơn một nửa từ 21,79% xuống còn 8,93%.

Diệu Nhi