|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Loạt dự án nguồn điện lớn vẫn chưa được vận hành vì thiếu vốn

11:15 | 23/02/2021
Chia sẻ
Nhu cầu điện toàn quốc được dự báo gia tăng với tốc độ bình quân 8.5-9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt đáng kể của nguồn điện trong những năm tới, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc.

10 dự án nguồn điện chậm tiến độ sau năm 2020

Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được lấy ý kiến của Bộ Công Thương cho biết Việt Nam có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020.

Cụ thể gồm Sông Hậu 1 (200MW), Thái Bình 2 (1.200MW), Long Phú 1 (1.200MW), Na Dương 2 (110MW), Cẩm Phả 3 (440MW, chưa đầu tư), Công Thanh (600MW), Ô Môn III (750 MW), Long Phú 1 (1.200 MW), Hải Hà I (150 MW), Formusa Hà Tĩnh II (650 MW).

TT

Dự án

Công suất (MW)

Chủ đầu tư

Năm vận hành theo QHĐ7ĐC

Nguyên nhân

1

Miền Bắc

3.750

 

 

 

NĐ Na Dương 2

110

TKV

2019

Chưa thực hiện đầu tư

 

NĐ Hải Dương 2

600

BOT

2020

 

 

NĐ Cẩm Phả 3

2x220

TKV

2020

Chưa tìm được địa điểm

 

NĐ Thái Bình 2

2x600

PVN

2017-2018

Vướng mắc trong thu xếp vốn

 

NĐ Công Thanh

1x600

IPP

 

Chưa có vốn đầu tư

 

NĐ Hài Hà 1

150

IPP

2019

Chưa có vốn đầu tư

 

ND Formusa Hà Tĩnh II

650

IPP

2020

Chưa có vốn đầu tư

2

Miền Trung

360

 

 

 

 

TĐ Yala MR

360

EVN

2020

Chưa thực hiện đầu tư

3

Miền Nam

3.150

 

 

 

 

NĐ Long Phú 1

2x600

PVN

2018-2019

Vướng mắc trong thu xếp vốn

 

NĐ Sông Hậu 1

2x600

PVN

2019

Chưa đáp ứng tiến độ thi công, năng lực nhà thầu

 

TBKHH Ô Môn 3

750

EVN

2020

Chưa phê duyệt PreFS

4

Tổng toàn quốc

7.160

 

 

 

Các dự án nguồn điện lớn đã được quy hoạch vào giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa vào vận hành. Nguồn: Bộ Công Thương.

Các nguồn điện chậm tiến độ phần lớn là các nhà máy nhiệt điện than. Các lý do chính gây chậm tiến độ bao gồm thiếu vốn; khó khăn trong thu xếp vốn (do hạn chế về trần nợ công nên việc thu xếp vốn cho các dự án điện không còn được Chính phủ bảo lãnh, dự án điện không nằm trong danh mục vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài).

Ngoài ra chậm trễ trong việc giao thiết bị; khó khăn trong đền bù và tái định cư; mất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục vay vốn; khó khăn trong thi công xây dựng; các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nguồn điện BOT kéo dài; năng lực và kinh nghiệm hạn chế của các nhà đầu tư…

Trái ngược với nguồn điện năng lượng tái tạo

Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại thực hiện vượt quá mức quy hoạch do tác động từ chủ trương hỗ trợ giá để phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước.

Điều này dẫn tới khó khăn trong cân đối cung cấp điện do số giờ vận hành tương đương của nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 so với số giờ vận hành tương đương của nguồn nhiệt điện truyền thống.

Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã đưa ra danh mục nguồn điện dự kiến sẽ được xây dựng và vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 để đảm bảo cung cấp điện toàn quốc, và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. 

Tuy nhiên đến nay đã có nhiều thay đổi về quan điểm phát triển của Chính phủ Việt Nam, khiến khối lượng nguồn năng lượng tái tạo đã được bổ sung thêm nhiều trong những năm gần đây.

Cụ thể, các dự án điện mặt trời hấp dẫn các nhà đầu tư do cơ chế khuyến khích của chính phủ cho việc phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tổng công suất điện mặt trời quy mô lớn đã vào vận hành năm 2020 khoảng 9 GW, nguồn điện mặt trời áp mái khoảng 7,8 GW. 

Hầu hết các dự án năng lượng mặt trời tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam và ở phía Bắc gần như không có. Do có cơ chế khuyến khích tốt nên các dự án điện mặt trời quy mô lớn đã thực hiện được tới hơn 80% khối lượng đã được bổ sung quy hoạch vào năm 2020. 

Các dự án điện gió cũng hấp dẫn các nhà đầu tư do cơ chế khuyến khích của chính phủ cho việc phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam, trong đó giá mua điện là 8,5 cent/kWh cho các dự án gió trên bờ bắt đầu hoạt động trước tháng 11/2021.

Tính đến tháng 12/2020, tổng công suất điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh là khoảng 13GW, dự kiến vào hoạt động năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. 

Mặc dù đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch nhưng điện gió khó có thể vào kịp toàn bộ quy mô vào năm 2021 do phải thực hiện đo gió và thời gian xây dựng lâu hơn điện mặt trời.

Do có sự phát triển mạnh mẽ của nguồn điện mặt trời khu vực phía Nam năm 2019- 2020 nên tổng khối lượng nguồn của miền Nam đã vượt quy hoạch năm 2020 khá lớn. Nhưng nếu không xét đến năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ, miền Bắc và miền Nam đều chậm tiến độ hơn 3.500 MW nguồn điện nhiệt điện và thủy điện lớn vào năm 2020.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII nhu cầu điện toàn quốc được dự báo gia tăng với tốc độ bình quân 8.5-9% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt đáng kể của nguồn điện trong những năm tới, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề cấp điện cho phụ tải của miền và vận hành hệ thống điện.

Việc phê duyệt bổ sung các nguồn điện mặt trời và điện gió tại khu vực miền Trung và miền Nam sẽ phần nào giảm bớt nguy cơ thiếu điện, tuy vậy do sự phát triển quá nhanh của các nguồn điện mặt trời khiến việc đầu tư lưới điện truyền tải không thể đáp ứng tiến độ vào vận hành của các nguồn điện mặt trời. 

Sự phát triển tập trung tại khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã khiến cho các nhà máy điện mặt trời tại khu vực này thường xuyên phải chịu cắt giảm công suất phát trong các năm 2019-2020.

Như Huỳnh