|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt dự án giao thông kỳ vọng đưa hai huyện thành cực phát triển mới của TP HCM

07:34 | 19/04/2022
Chia sẻ
Hai huyện Hóc Môn - Củ Chi nằm trong khu vực được quy hoạch bởi các dự án giao thông lớn là Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP HCM - Mộc Bài và tuyến Metro Số 2. Đây cũng là những dự án được kỳ vọng sẽ khơi thông điểm nghẽn hạ tầng.

“Hóc Môn và Củ Chi như con rồng đang ngủ bên cạnh phần còn lại phát triển rất sôi động của TP HCM” - Thành phố năng động, đóng góp 1/3 ngân sách của đất nước, đây là nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi nói về những tiềm năng, lợi thế của hai địa phương này tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện: Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 diễn ra ngày 12/4.

 Huyện Củ Chi nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing).

Nằm ở phía Bắc - Tây Bắc, Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện ngoại thành và cũng là cửa ngõ kết nối của thành phố với các đô thị như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh) và các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ khác.

Xét về diện tích của hai địa phương này, diện tích của toàn bộ 16 quận và TP Thủ Đức cộng lại cũng mới bằng hơn 90% diện tích đất của hai huyện Hóc Môn và Củ Chi (544 ha).

Song song với đó, huyện Củ Chi và Hóc Môn còn sở hữu lợi thế về địa hình cao, địa chất tốt. Khu vực này không bị ngập, trong khi đó khu vực TP HCM và phía Nam lại thường xuyên chịu tác động từ biến đổi khí hậu, xảy ra tình trạng ngập úng. 

Trong khi TP HCM đang không ngừng phát triển, việc cởi bỏ "chiếc áo hiện hữu" đã quá chật chội là điều vô cùng cần thiết. Với việc chiếm hơn 26% diện tích tự nhiên TP HCM, nếu được quy hoạch hợp lý, quỹ đất rộng lớn tại Củ Chi và Hóc Môn sẽ là không gian rộng lớn để TP HCM khai thác, phát triển.

Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Với địa thế chiến lược, có khả năng kết nối đường thủy và hướng ra sông Sài Gòn, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để vùng tây bắc của TP HCM trở thành cực tăng trưởng mới phải giải quyết bài toán cấp bách hiện nay là hạ tầng giao thông. 

Trên toàn huyện Củ Chi và Hóc Môn, hạ tầng kỹ thuật nói chung và giao thông nói riêng kém phát triển khá xa so với nhiều quận, huyện khác của TP HCM. Các trục đường chính hiện nay như Quốc lộ 22, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15 hay Tỉnh lộ 9... đều đang trong tình trạng quá tải và kém an toàn.

Toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực này chủ yếu là đường nông thôn, nhỏ hẹp, lạc hậy so với nhu cầu bởi thế mà dù từ trung tâm thành phố để trung tâm huyện Củ Chi chỉ khoảng 30 km, song việc di chuyển lại mất cả tiếng đồng hồ.

Một trong những lý do khiến huyện Củ Chi và Hóc Môn trở thành "vùng trũng" về đầu tư hạ tầng giao thông của TP HCM là do khu vực này được xác định là hướng phát triển đô thị phụ. Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP HCM được Chính phủ phê duyệt năm 2010, mô hình phát triển của thành phố được phát triển với hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển; hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam. 

Những dự án hạ tầng giao thông thay đổi diện mạo

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây nhấn mạnh rằng: "Nếu có hạ tầng giao thông tốt, hai huyện này không khác gì trung tâm quận 1".

 

Theo quy hoạch, khu vực huyện Hóc Môn và Củ Chi là nơi có tuyến đường vành đai 3, 4 đi ngang qua và là trục giao thông kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Campuchia...

Cụ thể, dự án Vành đai 3 dài hơn 91,6 km (riêng chiều dài đầu tư giai đoạn 1 là hơn 76,3 km). Trong đó, chiều dài qua TP HCM là 47,5 km, đoạn qua huyện Hóc Môn, Củ Chi dài khoảng 18,11 km. 

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho cho xây dựng và thiết bị.

Tuyến đường này còn mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi); Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)... Đến nay, HĐND TP HCM và Long An đã thông qua chủ trương và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn để đầu tư dự án.

 

Trong khi đó, dự án vành đai 4 có chiều dài 197,6 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM. Trong đó, đoạn qua TP HCM khoảng 48,3 km, riêng đoạn qua địa bàn Củ Chi dài khoảng 16,75 km…

Hiện tỉnh Bình Dương chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6 km, còn lại 21,7 km chưa đầu tư. Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường vành đai 4 TP HCM mới hoàn thành, song chính quyền Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024.

Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển, rút ngắn khoảng thời gian lưu thông từ thành phố đến các khu vực nội đô Bình Dương, cảng Cát Lái, sân bay Long Thành (Long An) và ngược lại.

 Cao tốc TP HCM - Mộc Bài mở ra cơ hội phát triển cho khu vực. (Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng).

Bên cạnh hệ thống đường vành đai, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, dài hơn 50 km với 23,7 km đi qua huyện Củ Chi giúp phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 đang quá tải, được kỳ vọng giúp thay đổi diện mạo nơi đây. Dự án có quy mô 8 làn xe đối với đoạn qua địa phận TP HCM và 6 làn xe đối với đoạn qua tỉnh Tây Ninh.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 15.900 tỷ đồng, làm trước 4 làn xe và nâng lên 6-8 làn khi hoàn thiện. Kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.400 tỷ đồng, trong đó phía TP HCM hơn 5.900 tỷ đồng. Sở GTVT TP HCM dự kiến công trình khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026.  

Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP HCM để tạo thành một mạng lưới liên kết giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP HCM. Công trình đang được UBND TP HCM hoàn thiện hồ sơ dự án trình Chính phủ.

Ngoài dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, dự án đường ven sống Sài Gòn đi từ trung tâm quận 1 lên hai huyện cũng giúp TP HCM nói chung và hai huyện nói riêng mở ra khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, phát triển các khu du lịch sinh thái...

 

Song song với đó, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (tổng chiều dài 48 km) được chia làm ba giai đoạn, ở giai đoạn 3 dài 28 km sẽ nối tuyến từ Bến xe An Sương đến quận 12, Hóc Môn, Củ Chi; có depot đặt tại huyện Củ Chi.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 (năm 2010) là 1,37 tỷ USD được điều chỉnh lên 2,134 tỷ USD do phải điều chỉnh thiết kế cơ sở. Công trình dự kiến được khởi công trong năm nay.

Song song thành phố cũng có phương án đầu tư dự án đường trên cao số 5 đi trùng với đường vành đai 2 (QL1) từ nút giao Trạm 2 đến An Sương. Đường có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.405 tỷ đồng.

Bên cạnh hệ thống vành đai, cao tốc, trên địa bàn Củ Chi trong tương lại sẽ có hai tuyến đường sắt đi qua Tây Ninh và tuyến đường sắt đi Cần Thơ. Các tuyến đường sắt sẽ kéo dài, tạo sự kết nối thuận lợi trong chiến lược phát triển của thành phố trong giai đoạn từ nay tới 2030.

Hôm 12/4, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện: Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, hai huyện Củ Chi, Hóc Môn đã kêu gọi đầu tư 55 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… với tổng mức đầu tư hơn 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 nhà đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng mức vốn gần 430 triệu USD (hơn 8.400 tỷ đồng), đồng thời trao bản ghi nhớ đầu tư cho 31 nhà đầu tư với tổng số vốn gần 16,2 tỷ USD (hơn 370.000 tỷ đồng).

Phương Trang