|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Loạt dự án FDI lớn liên tục đổ bộ Việt Nam trong hai năm đại dịch COVID-19

10:02 | 01/03/2022
Chia sẻ
Mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng dương và liên tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo mới đây của PwC, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,58% trong năm 2021. Đây là điều không quá ngạc nhiên khi cả nước đã trải qua thời gian dài đóng cửa vào thời điểm nửa cuối 2021, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi xét cả hai năm 2020 và 2021, Việt Nam là một trong những nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng dương hai năm liên tiếp kể từ khi bắt đầu đại dịch.

qfw - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo PwC/Việt hóa: Phương Trang.

COVID-19 cũng đã cho thấy một thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và ít phụ thuộc hơn vào du lịch, khách sạn. 

Khi so sánh với các quốc gia láng giềng có ngành du lịch phát triển mạnh như Thái Lan (tăng trưởng GDP -6% năm 2020), Philippines (-9,6%) hay Campuchia (-3,1%), các quốc gia này đã chịu tác động đáng kể đối với tăng trưởng GDP, trong khi Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng tích cực trong thời gian COVID-19.

Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam đang trên đà phục hồi hậu đại dịch về tổng giá trị xuất khẩu với mức tăng trưởng 19%. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1 cũng tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các thị trường quốc tế.

Dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), PwC cho biết, Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN ở mức 6,6%, tiếp theo là Philippines (6,3%) và Malaysia (6%).

Nói về triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia PwC cho rằng Việt Nam hiện đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều chuỗi cung ứng và làn sóng dịch chuyển sản xuất nhờ vào nền tảng kinh tế vững chắc và môi trường đầu tư thuận lợi hơn so với các thị trường lân cận.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cả nước vẫn ghi nhận tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD tính đến ngày 20/12/2021, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bắt đầu từ năm 2019, Việt Nam đã vươn lên như một trung tâm sản xuất mới nổi trong khu vực, thu hút phần lớn các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất mới.

Việc các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc hoặc các khu vực khác của Đông Nam Á đã thúc đẩy hoạt động thu hút FDI của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều này cũng chính là động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế mạnh mẽ trong thời điểm dịch COVID-19.

Loạt dự án FDI lớn liên tục đổ bộ Việt Nam trong hai năm đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo PwC/ Việt hóa: Phương Trang.

Điều này có thể thấy rõ qua việc dù dịch bệnh làm chậm lại tăng trưởng thương mại với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và từ năm 2019 đến nay, hàng hóa Việt Nam vẫn gia tăng thị phần trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Một hệ sinh thái sản xuất hiệu quả từ các chuỗi cung ứng đến cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông,... là một trong những lý do chính giúp Việt Nam trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu trong câu chuyện tái định vị chuỗi cung ứng.

Loạt dự án FDI lớn liên tục đổ bộ Việt Nam trong hai năm đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo PwC/Việt hóa: Phương Trang.

Bên cạnh đó, PwC cũng cho biết, trước đây, Việt Nam chủ yếu được biết tới ngành sản xuất hàng dệt may. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á.

Báo cáo của PwC cũng đưa ra loạt dự án đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019 của các nhà đầu tư Mỹ chuyên sản xuất thiết bị điện tử và điện tử tiêu dùng. Chẳng hạn như Foxconn đã thành lập Fuyu Precision tại Bắc Giang; Công ty Goertek rót thêm 260 triệu USD vào tỉnh Bắc Ninh để phát triển dự án Goertek Vina 2.

qfw - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo PwC/Việt hóa: Phương Trang.

Ngoài ra, trong năm 2019, Công ty Luxshare đầu tư cụm nhà máy sản xuất quy mô hơn 20 hecta tại Nghệ An với tổng mức đầu tư 70 triệu USD và dự án Luxshare Vân Trung có quy hơn 38 ha với tổng mức đầu tư 180 triệu USD.

Trước đó, nhà đầu tư Mỹ đã rót vốn vào nhiều dự án khác tại Việt Nam như Tập đoàn Intel với dự án nhà máy tại Khu công nghệ cao TP HCM có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong năm 2007; Tập đoàn Foxconn liên tục rót vốn đầu tư vào Bắc Giang, Bắc Ninh trong các năm 2008, 2011, 2015;....

Bên cạnh những dự án trong năm 2019, nhiều dự án FDI khác cũng liên tục đổ bộ trong hai năm 2020 và 2021, tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các dự án này đã phải trì hoãn cho đến khi có thông báo mới.

qfw - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo PwC/Việt hóa: Phương Trang.

Chẳng hạn như Tập đoàn Foxconn dự kiến đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang và tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn hơn 1,3 tỷ USD.

Ngoài ra, tháng 1/2021, Công ty Goertek Technology khởi công dự án nhà máy mới tại Nghệ An với diện tích đất sử dụng khoảng 29ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Tập đoàn Wistron (Đài Loan) đầu tư 273 triệu USD vào Hà Nam,...

Các chuyên gia của PwC cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Sự lạc quan này một phần do tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp kinh tế Việt Nam khôi phục lại hầu hết các hoạt động kinh tế từ cuối 2021. 

Ngoài ra, đà phục hồi kinh tế Việt Nam còn đến từ việc nhiều quốc gia trên thế giới gỡ bỏ hạn chế giúp cho các doanh nghiệp được nối lại hoạt động, hàng không quốc tế được lên kế hoạch phục hồi.

Phương Trang