Chuyên gia VinaCapital chỉ ra làn sóng FDI bùng nổ trong 10 năm giúp kinh tế Việt Nam thay đổi ra sao
Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng.
Hôm 16/2, Samsung thông báo đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam lên hơn 19 tỷ USD.
Samsung hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam cho đến nay. Khi thông báo khoản đầu tư mới nhất nói trên, Giám đốc điều hành của Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, "Samsung hoàn toàn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và sẽ không bao giờ thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam".
Chuyên gia của VinaCapital nhắc lại việc Samsung thực hiện khoản đầu tư quy mô nhỏ đầu tiên vào Việt Nam hồi năm 2008. 4 năm sau, tổng số vốn đầu tư của Samsung tăng gấp đôi, lên 1,6 tỷ USD. Đợt Samsung tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng trùng với thời điểm xuất hiện làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ cao khác, bắt đầu vào khoảng năm 2010.
Một số khoản đầu tư đáng chú ý như khoản 1 tỷ USD từ Intel vào năm 2010 hay khoản đầu tư 1,5 tỷ USD từ LG Electronics vào năm 2013. Ngoài ra, còn có rất nhiều khoản đầu tư nhỏ hơn từ các công ty khác như Jabil Circuits, Nidec để xây nhà máy ở các khu công nghiệp, trong đó đáng chú ý có Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP).
Nhu cầu thuê đất công nghiệp của các công ty công nghệ cao tại SHTP rất mạnh nên sau năm 2010, khu công nghiệp đã tăng gấp đôi quy mô lên hơn 600 ha (sau đó đã tăng lên hơn 900 ha).
Đại diện VinaCapital khẳng định những khoản đầu tư như trên đã giúp tăng gấp ba lượng lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp FDI, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu (đặc biệt là Samsung với đóng góp khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Ngoài ra, lượng việc làm mà các nhà máy FDI tạo ra trong 10 năm (từ 2010-2020) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
Ngoài mang đến cơ hội việc làm, khu vực FDI còn tạo tiền đề cho việc hình thành nhiều công ty sản xuất trong nước. "Những công ty trong nước này có thể cung cấp cho doanh nghiệp FDI các sản phẩm như vòng bi chịu lực, kính cường lực hiện đang được nhập khẩu nhưng có thể sản xuất trong nước", ông Michael Kokalari viết trong báo cáo.
Ông cũng đề cập đến yếu tố hút FDI được nhắc đến nhiều lần, đó là công nhân ở Việt Nam có tiền lương thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc, nhưng chất lượng lao động lại tương đương.
Gần đây, Giám đốc điều hành của Samsung Việt Nam cũng nhận định nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, sự ổn định xã hội và chính trị, là những yếu tố quan trọng củng cố niềm tin đầu tư vào Việt Nam.
Yếu tố quan trọng nữa giúp hút dòng vốn FDI chất lượng cao mà VinaCapital nhắc đến là Việt Nam có vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng của châu Á. Ngoài ra, việc Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI rót vốn vào Việt Nam.
"Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. Điều này đã và đang thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu kể từ năm 2010. Dòng vốn FDI tăng vọt cũng mang đến nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam, giúp thúc đẩy sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu sôi động của đất nước.
Tập đoàn cũng bày tỏ mong đợi sự xuất hiện của các ngành công nghiệp địa phương để cung cấp các sản phẩm đầu vào tầm trung cho các công ty FDI trong trung hạn", báo cáo kết luận.