|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt dự án 'đất vàng' quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ

13:59 | 31/05/2019
Chia sẻ
Mặc cho đô thị thay da đổi thịt, nhiều dự án ngay trên "đất vàng" quận 1, TP HCM vẫn giữ nguyên vẻ hoang tàn, xác xơ ở ngay giữa những tòa nhà hiện đại và những trung tâm thương mại sầm uất nhất của thành phố.

Quỹ đất ngày càng hạn hẹp, TP HCM thậm chí đã phải siết lại việc cấp phép cho các dự án cao ốc ở khu vực các quận trung tâm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư dù rất muốn nhưng cũng khó mà có được quỹ đất hay phát triển được các dự án mới ở khu vực này.

Giữa lúc tấc đất tấc vàng là vậy, đi dọc những cung đường của quận 1 vẫn còn không ít dự án án ngữ, quây rào kín và phơi mưa nắng hàng thập kỷ qua. Mặc cho đô thị thay da đổi thịt, những dự án này vẫn giữ nguyên vẻ hoang tàn, xác xơ ở ngay giữa những tòa nhà hiện đại và những trung tâm thương mại sầm uất nhất của thành phố.

Dự án Saigon One Tower

Đối lập với hình ảnh hoa lệ của tòa tháp tài chính Bitexco – biểu tượng của TP HCM, tòa nhà Saigon One Tower nằm ngay bên cạnh lại luôn trong tình trạng xây dựng dở dang và bị bỏ hoang hơn chục năm qua. Dự án có địa chỉ số 34 Tôn Đức Thắng, nằm ngay giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi, quận 1, một khu "đất vàng" bậc nhất của thành phố.

Loạt dự án đất vàng quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ - Ảnh 1.

Dự án Saigon One Tower nằm hoang tàn bên cạnh tòa tháp tài chính Bitexco. (Ảnh: Hiếu Quân)

Trước đây, dự án do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư (CĐT), tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến là 256 triệu USD (khoảng 5.000 tỉ đồng). Đây từng là dự án nhận được sự kỳ vọng lớn khi khởi công vào năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2009, sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP HCM (195m). Theo kế hoạch, tổ hợp chung cư, văn phòng và thương mại cao cấp này sẽ có điểm nhấn là quán bar ngoài trời lớn nhất Việt Nam.

Đến thời điểm ngừng thi công vào cuối năm 2011, khoảng 80% khối lượng công việc tại đây đã hoàn thành. Tuy nhiên thực tế, dự án đã bị đình trệ đến tận ngày nay.

Sau khi bị thanh tra toàn diện vào năm 2014, đến năm 2017, dự án bị Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) thu giữ và đến tháng 3/2018 thì được đấu giá công khai với giá khởi điểm là 6.110 tỉ đồng. Trước đó VAMC đã mua khoản nợ của nhóm khách hàng gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C), CTCP Đầu tư Liên Phát, CTCP TVĐT và XD Minh Quân, CTCP Tân Superdeck M&C. Tổng dư nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm bị thu giữ lên đến hơn 7.000 tỉ đồng.

Các dự án 'ngâm' của Bitexco

Như đã nói, Bitexco có tòa tháp tài chính là biểu tượng của Sài Gòn, nhưng tập đoàn này cũng nổi tiếng là doanh nghiệp "ôm" nhiều dự án "đất vàng" tại quận 1 nhưng vẫn chưa thể triển khai sau nhiều năm ròng "đắp chiếu".

Cụ thể, năm 2007, Tập đoàn Bitexco được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương xây dựng tổ hợp cao ốc văn phòng và khách sạn 5 sao trên khu đất 125 Lê Lợi (Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) - đối diện với chợ Bến Thành. Đổi lại, doanh nghiệp phải dành 1 ha đất tại Mả Lạng (thuộc khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1) để xây Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức BT. Thời gian xây dựng bệnh viện dự kiến từ năm 2017 - 2020.

Loạt dự án đất vàng quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ - Ảnh 2.

Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh chưa thỏa thuận được phương án đền bù, vẫn án ngữ trên "đất vàng" quận 1. (Ảnh: Hiếu Quân)

Khu đất tại bệnh viện cũ có tổng diện tích 5.443 m2 sẽ được xây dựng dự án bất động sản cao cấp, cao 40 - 45 tầng. TP HCM đã tạm tính khu "đất vàng" này vào khoảng hơn 1.700 tỉ đồng. Như vậy, để có mặt bằng sạch phát triển tổ hợp cao ốc 45 tầng trên khu đất 125 Lê Lợi, Bitexco có thể phải chi trả hơn 326,4 triệu đồng/m2.

Tháng 8/2017, thành phố đã duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức BT, tổng mức đầu tư 1.030 tỉ đồng. Theo dự kiến, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới có quy mô 300 giường hiện đại, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, ngang tầm các bệnh viện ở những nước tiên tiến trong khu vực…

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm nhưng dự án BT này vẫn bị kẹt tại khâu giải phóng mặt bằng ở khu Mả Lạng.

Gần đó tại khu tứ giác Bến Thành, Bitexco cũng có một dự án cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ khác mang tên The One Ho Chi Minh City (sau đổi tên thành Spirit of Saigon). Dự án có diện tích đất 8.641 m2, vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD.

Loạt dự án đất vàng quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ - Ảnh 3.

Thực trạng dự án Spirit of Saigon hồi tháng 8/2017. (Ảnh: News Zing)

Sau khi tòa tháp tài chính Bitexco tạo được hiệu ứng cực lớn ở TP HCM, tập đoàn đã rất tự tin khởi công dự án Spirit of Saigon giữa lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng (năm 2011). Khi đó, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco, nói rằng đến năm 2015, khi tòa tháp hoàn thành, nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Nhưng thực tế đến nay, dự án nay vẫn chưa xây dựng xong.

CĐT từng lý giải lý do chậm tiến độ là do tại khu tứ giác Bến Thành, nếu quy hoạch thành một khu phức hợp đầy đủ chức năng thì khả năng tái định cư tại chỗ cho người dân là rất khó. Vì vậy, tiến độ triển khai dự án bị chậm do việc đền bù giải tỏa và tái định cư kéo dài nhiều năm liền.

Dự án Lavenue Crown

Lận đận không kém những dự án kể trên là khu đất gần 5.000 m2 tại số 8 – 12 Lê Duẩn – dự án Lavenue Crown. Dự án nằm sát Trung tâm thương mại Diamond và giáp 3 mặt tiền đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Chiêm.

Loạt dự án đất vàng quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ - Ảnh 4.

Khu đất dự án Lavenue Crown 8 - 12 Lê Duẩn liên quan trực tiếp đến những lùm xùm đất công khiến cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài vướng lao lý. (Ảnh: Hiếu Quân)

Khu "đất vàng" này liên quan trực tiếp đến những lùm xùm đất công khiến cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài vướng lao lý. Cụ thể, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, khu đất thuộc sở hữu Nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc.

Sau này khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu để chọn CĐT, thành phố lại chấp thuận phương án thành lập CTCP Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần. Sau đó, 4 công ty này đã cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) để kiếm lời.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (ký nhanh và nhiều quyết định giao đất không qua đấu giá gây thất thoát ngân sách).

Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị thu hồi khu đất nhưng TP HCM cho rằng khó thu hồi vì CĐT đã nộp hơn 700 tỉ đồng tiền sử dụng đất và thuê đất (đến 30/6/2016).

Theo kế hoạch, tại khu đất sẽ mọc lên cao ốc thương mại 36 tầng, dự kiến hoàn thành năm 2014. Nhưng thực tế đến nay, khu đất dự án vẫn bị quây rào kín, bỏ trống và cho tư nhân thuê lại làm bãi giữ ô tô, xe máy tạm. Mới đây vào những ngày giữa tháng 5, dự án Lavenue Crown đã thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư. Theo quy định, trong 45 ngày làm việc nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng sẽ có văn bản trả lời, nếu từ chối phải nêu rõ lý do cho CĐT.

Tòa tháp SJC

Án ngữ ở vị trí đắc địa quận 1, có mặt tiền trên tuyến đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi, khu đất tòa tháp SJC trước kia là trung tâm thương mại quốc tế ITC. Sau vụ cháy kinh hoàng năm 2002, UBND TP HCM đã chấp thuận cho CTCP Kim Cương làm CĐT xây dựng công trình tháp SJC với vốn đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng).

Loạt dự án đất vàng quận 1 phơi nắng mưa hàng thập kỉ - Ảnh 5.

Khu đất xây dựng tòa tháp SJC vốn là trung tâm thương mại quốc tế ITC, nơi xảy ra vụ cháy kinh hoàng năm 2002 khiến 60 người thiệt mạng. (Ảnh: News Zing)

Dự án được thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) làm CĐT, sau đó được chuyển giao lại cho CTCP Sài Gòn Kim Cương - đây là công ty liên doanh do nhiều công ty góp vốn sở hữu, trong đó Công ty SJC sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Tháp SJC từng được kỳ vọng là một trung tâm trưng bày, kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất TP HCM. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Theo thiết kế ban đầu, tòa tháp cao 208m, gồm 54 tầng cao và 6 tầng hầm. Nhưng mới đây vào tháng 1/2019, UBND TP đã chấp thuận giảm chiều cao công trình Tháp SJC xuống còn 199,8m, tức "cắt" hơn 8m chiều cao, đồng thời số tầng cao giảm từ 54 tầng xuống còn 46 tầng. Về chức năng tòa tháp cũng chuyển từ văn phòng – khách sạn – thương mại dịch vụ - căn hộ bán và cho thuê thành chức năng văn phòng – khách sạn – thương mại dịch vụ - căn hộ cho thuê (không còn chức năng căn hộ bán).

Dự án này cũng từ bị thanh tra làm rõ nguyên nhân chậm triển khai. Trong đó có việc các cổ đông góp vốn đã chuyển nhượng quá 5 lần (có hai lần phát sinh lãi trên 668 tỉ đồng), làm tăng vốn đầu tư tại dự án.

Ngoài ra, trước đó vào cuối năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất thu hồi 180 dự án chậm triển khai và được UBND TP HCM chấp thuận, trong đó quận 1 có 8 dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 – 2017.

Trong số 8 dự án này có một số cái tên đáng chú ý như Khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ - Nguyễn Đức Kế, phường Bến Nghé (diện tích hơn 3.600 m2); Trung tâm thương mại – mua sắm và cao ốc văn phòng tại số 164 Đồng Khởi, phường Bến Nghé (khoảng 9.800 m2); Bãi đậu xe ngầm Trống Đồng tại khu vực Công viên Tao Đàn, phường Bến Thành (khoảng 5.400 m2)…

Hiếu Quân