Loạt doanh nghiệp xin nhận thầu cao tốc Bắc - Nam ghi dấu ấn ở các dự án hạ tầng lớn nào?
Để rút ngắn tiến độ song vẫn lựa chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng, Chính phủ đã ban hành nghị quyết chỉ định các gói thầu thiết kế, xây lắp tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ GTVT, việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn và gói thầu xây lắp sẽ đẩy nhanh thời gian thực hiện dự án sớm hơn 3 tháng. Hiện, thời gian không còn nhiều khi Chính phủ đã đặt mục tiêu hoàn tất chỉ định thầu xây lắp và khởi công 12 dự án vào cuối năm 2022, hoàn thành thi công trong năm 2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu từng góp mặt trong các dự án hạ tầng giao thông lớn, phức tạp về công nghệ đã gửi đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là nhà thầu độc lập.
Theo tin từ Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) mới đây cho biết đã có khá nhiều cái tên rất đáng chú ý như Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Trường Thịnh, Vinaconex E&C, Hưng Thịnh,… xin chỉ định thầu các gói thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Vinaconex tham gia 5 gói thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020
Trong số các nhà thầu quan tâm tới dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) đã tham gia thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Vinaconex tích cực tham gia đấu thầu, mang về nhiều hợp đồng lớn. Trong đó, đáng chú ý là ba gói thầu lớn nhất tại ba dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tổng giá trị các gói thầu này lên tới 8.000 tỷ đồng, vượt trội hoàn toàn các nhà thầu khác đang thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Ngoài ra, một số dự án quan trọng của TP Hà Nội như Dự án nâng cấp, cải tạo bệnh viện K cơ sở I, II, dự án xây dựng Tòa án nhân dân TP Hà Nội,... cũng được trao cho VCG.
Từ đầu năm 2021, với tư cách nhà thầu độc lập và thành viên liên danh, Vinaconex tiếp tục được lựa chọn thi công gói thầu XL03, đoạn QL 45 - Nghi Sơn, gói thầu XL03 đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Nếu tính cả hai gói thầu này, Vinaconex đã tham gia 5 gói thầu xây lắp tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Nhiều dự án trọng điểm giá trị lớn khác cũng về tay Vinaconex trong năm 2021 như: hai gói thầu xây lắp của dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Phú Bài… cùng nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách khác.
Trước khi trúng thầu thi công các dự án này, Vinaconex là một trong những tên tuổi lớn nhất từng đảm nhiệm vai trò nhà thầu, tổng thầu, nhà đầu tư tại hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân…
Các gói thầu của Cienco4 có quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng
Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) là nhà thầu khá quen thuộc tại các dự án hạ tầng giao thông cũng đang quan tâm tới 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sắp triển khai.
Điểm lại hoạt động của Cienco4 trong những năm qua, doanh nghiệp này đã ghi dấu ấn tại hàng loạt công trình trải dài từ Bắc tới Nam như: gói thầu số 1 dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long; gói thầu số 1 của Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; dự án đầu tư xây dựng hầm chui Lê Văn Lương; dự án cầu Cửa Hội (Hà Tĩnh); dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên; dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP HCM); dự án cầu vượt biển Tân Vũ Lạch Huyện…
Bên cạnh đó, thời gian qua, Cienco4 đã liên tiếp trúng thầu các dự án lớn. Có thể kể đến gói thầu XL-02 cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 với giá trị hơn 705 tỷ đồng, gói thầu số XL-02 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị hơn 1.910 tỷ đồng và gói thầu XL-04 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu với giá trị hơn 1.139 tỷ đồng.
Đối với dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức PPP là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với giá trị hơn 9.200 tỷ đồng, Cienco4 là một trong các nhà đầu tư được lựa chọn cùng liên doanh với giá đề nghị trúng thầu hơn 4.100 tỷ đồng.
Mới đây nhất, cuối năm 2021, Cienco4 cùng CTCP Xây dựng và Đầu tư 492 đã khởi công gói thầu dự án xây dựng Cầu Bạch Đằng 2 (Đồng Nai) với giá trị gần 314 tỷ đồng.
Chia sẻ với TTXVN hồi đầu tháng 2, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco4 cho biết tổng giá trị các gói thầu Cienco4 đã và đang thực hiện ước khoảng 15.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, tổng giá trị tiếp tục thực hiện các gói thầu khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đèo Cả tham gia nhiều dự án trọng điểm, quy mô đầu tư gần 60.000 tỷ đồng
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) hiện cũng đang là đơn vị đầu tư nhiều dự án về hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn đã đóng góp cho ngành giao thông vận tải 25 km hầm đường bộ, gần 200 km đường cao tốc, quốc lộ và 6 cây cầu lớn.
Đèo Cả đã tham gia và nhiều dự án trọng điểm quốc gia có quy mô lớn như chuỗi hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân; dự án Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng mức đầu tư lên đến 60.000 tỷ đồng.
Ngoài việc góp vốn đầu tư dự án, những năm qua, Đèo Cả còn triển khai thi công các dự án do chính Đèo Cả đầu tư và hàng loạt các dự án/gói thầu thi công lớn như hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh, đường bao biển ở Quảng Ninh, cầu Cửa Lục, cầu Mỹ Thuận…
Hiện nay, Đèo Cả đang tiếp tục đầu tư cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và đang chuẩn bị đầu tư các cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Tân Phú - Bảo Lộc. Đây đều là những dự án có quy mô rất lớn với nhu cầu vốn là 16.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo chuyên đề hồi tháng 1/2022 của CTCK VNDirect, tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ GTVT cũng đang đề xuất được chỉ định thầu cho các doanh nghiệp đã trúng thầu giai đoạn 1 nhằm tiết kiệm thời gian thực hiện dự án và có thể hoàn thành trước năm 2026.
Trong danh sách các công ty niêm yết đang tham gia thi công các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, bên cạnh những nhà thầu lớn như Vinaconex, Cienco4, Đèo Cả còn có một số cái tên doanh nghiệp đáng chú ý khác như CTCP LICOGI 16 (Mã: LCG); CTCP LICOGI 18 (Mã: L18); CTCP Đạt Phương (Mã: DPG)...
Có thể thấy, các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới khi Chính phủ sẽ tập trung tiến độ của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/