|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lộ trình nào cho trái thanh long Việt Nam?

20:34 | 05/06/2019
Chia sẻ
Thanh long là một trong những loại quả còn nhiều tiềm năng mở rộng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam nhưng để khai thác được tiềm năng đó cần có lộ trình phát triển giống thanh long mới.
Lộ trình nào cho trái thanh long Việt Nam? - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Thanh long là một trong những loại quả còn nhiều tiềm năng mở rộng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam nhưng để khai thác được tiềm năng đó cần có lộ trình phát triển giống thanh long mới chất lượng cao và cải tiến quy trình canh tác, hệ thống xử lý sau thu hoạch.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo lộ trình cho quả thanh long chất lượng cao của Việt Nam do Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5/6.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng và là một trong 9 cây trồng chủ lực của Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thanh long được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc và tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... với tổng diện dích trồng khoảng 54.000 ha; trong đó, Bình Thuận có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước với hơn 27.000 ha.

Sản lượng thanh long Việt Nam hiện đã đạt hơn 1 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 36% tổng giá trị xuất khẩu quả cây của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD (2018).

Theo ông Trần Kim Long, mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam là đưa kim ngạch xuất khẩu quả cây đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2020; trong đó, thanh long tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu.

Để làm được điều này, nhiều chương trình, giải pháp cấp bách cần được tiến hành, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn.

Tiến sĩ Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích, ngành sản xuất và chế biến thanh long thế giới đang trên đà tăng trưởng nhanh và Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có điều kiện tự nhiên phù hợp với cây thanh long.

Lộ trình nào cho trái thanh long Việt Nam? - Ảnh 2.

Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu ở Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Do đó, tiềm năng mở rộng sản xuất, xuất khẩu thanh long của Việt Nam những năm tới rất rộng mở.

Tuy nhiên, nguồn giống và kỹ thuật canh tác thanh long hiện nay của Việt Nam còn nhiều hạn chế dẫn đến khó quản lý sâu bệnh, năng suất và phẩm chất quả không đảm bảo nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng.

Thêm vào đó, công nghệ xử lý sau thu hoạch của Việt Nam cũng chưa được đầu tư đúng mức, rửa quả thủ công, hệ thống làm lạnh không ổn định trong bảo quản và quá trình vận chuyển dẫn đến tỷ lệ quả hư tăng; chi phí lao động cao, an toàn thực phẩm kém.

Chính vì vậy, muốn phát triển sản phẩm thanh long theo hướng bền vững, Việt Nam cần có chiến lược nghiên cứu, lai tạo các giống thanh long mới có chất lượng cao, màu sắc và hương vị hấp dẫn đồng thời phải cải tiến kỹ thuật canh tác cũng như công nghệ xử lý sau thu hoạch.

Dự án phát triển giống thanh long chất lượng cao do Chính phủ New Zealand tài trợ, Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện từ năm 2013 -2020 nhằm nghiên cứu và sản xuất giống thanh long mới chất lượng cao theo hướng bền vững đã mang lại những kết quả rất tích cực.

Tiến sĩ Michael Lay – Yee, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand chia sẻ, dự án phát triển giống thanh long cao cấp tại Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua phát triển các giống mới chất lượng cao, triển khai mô hình sản xuất cải tiến, áp dụng phương pháp phòng ngừa sâu bệnh, nâng cấp hệ thống xử lý sau thu hoạch.

Đến nay, một số giống thanh long mới đang được sản xuất thử nghiệm, các giống mới cao cấp được lựa chọn bảo hộ để thương mại hóa có kiểm soát nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho đơn vị sở hữu giống và cả người trồng thanh long.

Ngoài việc tạo ra giống mới chất lượng cao, các chuyên gia từ New Zealand cũng hỗ trợ các đơn vị Việt Nam thực hiện kỹ thuật canh tác thanh long mới có giá đỡ hình chữ “T” thay vì trồng trụ truyền thống, sử dụng máy rửa quả áp lực cao thay thế lao động thủ công và nâng cấp hệ thống bảo quản.

Nhờ đó, người trồng thanh long Việt Nam kiểm soát sâu bệnh tốt hơn, năng suất và chất lượng quả được cải thiện, sản lượng và giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên.

Từ kinh nghiệm phát triển ngành trồng trọt của New Zealand, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh ngay càng gay gắt.

Tuy nhiên chỉ nghiên cứu, phát triển giống mới, chất lượng cao là chưa đủ mà phải đảm bảo các giống cây trồng mới này được thương mại hóa có kiểm soát.

Nghĩa là, cần có biện pháp duy trì quyền bảo hộ cho các giống cây trồng để tránh trường hợp giống mới được trồng tràn lan, làm giảm giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm mới. 

Xuân Anh