|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lo sợ thua lỗ, người chăn nuôi lợn tái đàn cầm chừng

19:43 | 07/11/2017
Chia sẻ
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đây chính là thời điểm để người chăn nuôi lợn chuẩn bị lứa mới.

Tuy nhiên, với giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, các hộ nuôi hiện nay như ngồi trên đống lửa, chưa mạnh dạn tái đàn sản xuất. Bởi theo tính toán của người nuôi, nếu lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, trung bình mỗi con lợn 100 kg, người nuôi lỗ từ 500.000 - 700.000 đồng. So với mọi năm, năm nay, tình hình chăn nuôi lợn thời điểm hiện nay rất ảm đạm. Mặc dù đang là thời điểm tái đàn chuẩn bị cho thị trường cuối năm nhưng nhiều trang trại, hộ chăn nuôi cũng chỉ tái đàn nuôi cầm chừng, giảm rất nhiều so với cùng kỳ, nguyên nhân là do giá lợn xuống thấp.

lo so thua lo nguoi chan nuoi lon tai dan cam chung
Lo sợ thua lỗ, người chăn nuôi lợn tái đàn cầm chừng. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử - TTXVN

Vừa cho xuất chuồng 10 con lợn với giá 30.000 đồng/kg cách đây 2 tuần, sau khi tính toán, với giá này, chị Nguyễn Thị Tho, khu phố 2, phường 10, thành phố Vũng Tàu bị lỗ trung bình mỗi con khoảng 200 nghìn đồng. Chị Tho cho biết, do nuôi lợn bằng thức ăn thô từ thực phẩm, thức ăn thừa được chị mua lại ở các quán ăn, đem về chị nấu cùng với rau, củ phế phẩm. Nhờ vậy, chi phí thức ăn giảm nhiều so với sử dụng thức ăn công nghiệp, nên tuy bị lỗ nhưng vẫn còn ít so với những hộ chăn nuôi khác.

Theo đó, nếu người nuôi lợn bằng cám thực phẩm, xuất bán thì bị lỗ từ 800.000 đồng cho đến 1 triệu đồng/con. Hiện giá lợn chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg, như vậy dù nuôi bằng phương thức nào thì trung bình mỗi con lợn người nuôi cầm chắc thua lỗ từ 200.000 -700.000 đồng là thấp nhất. Với giá lợn như hiện nay, chị Tho không mặn mà tái đàn dịp cuối năm. Cũng như chị Tho, gia đình anh Nguyễn Văn Khiết, ngụ phường 10, thành phố Vũng Tàu nuôi lợn trên 10 năm. Theo anh Khiết, chưa năm nào giá lợn giảm xuống thấp như vậy.

Nếu như thời điểm này năm ngoái, trong chuồng nhà anh Khiết luôn duy trì trên dưới 100 con lợn, tuy nhiên bước sang năm 2017, giá lợn có xu hướng giảm dần nên gia đình anh cũng giảm đàn liên tục. Đến nay, trong chuồng nhà anh chỉ còn khoảng 60 con.

Cũng theo anh Khiết, do giá lợn thấp nên từ đầu năm đến nay anh không cho phối giống đàn lợn nái của mình do sợ thua lỗ. Hiện con số lỗ vốn từ đàn lợn của gia đình anh đã lên đến 40 triệu đồng, mặc dù anh đã tiết kiệm chi phí bằng cách cho heo ăn thức ăn thừa nấu chín. “Với giá lợn như hiện tại thì gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng. Giờ trong chuồng có bao nhiêu con thì tôi giữ lại nuôi chờ đến Tết Nguyên đán, chứ tôi không có ý định tăng đàn thêm nữa, trường hợp giá tăng cao hơn, bán có lãi thì mới tăng”, anh Khiết chia sẻ thêm.

Còn tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, trung bình mỗi lứa lợn, gia đình ông Phan Văn Hiếu, ở ấp 4B luôn duy trì từ 60 - 70 con lợn thịt. Tuy nhiên, lứa này trong chuồng của ông Hiếu hiện chỉ còn nuôi 25 con.

Ông Hiếu cho biết, trung bình 1 con lợn có trọng lượng từ 1-1,1 tạ/con với giá 25.000 – 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Hiếu lỗ nặng gần 1 triệu đồng/con. Theo ông Hiếu, với giá lợn như thời gian qua làm người nuôi heo cảm thấy chán nản, chỉ muốn treo chuồng không có động lực nuôi tiếp. Nuôi thì lỗ, không nuôi thì khổ, vì đây là nghề cho thu nhập chính trong gia đình, không nuôi thì không biết làm gì, chuồng thì không thể để trống. Chỉ hy vọng giá cả lên để người nuôi như ông có thể tái đàn tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tâm lý “thận trọng” khi chuẩn bị đàn lợn phục vụ thị thường Tết Nguyên đán là người nuôi lợn tái đàn cầm chừng cũng là tình trạng chung của những hộ chăn nuôi lợn trên toàn tỉnh.

Hàng năm khoảng tháng 9 đến tháng 10 người chăn nuôi lợn sẽ tăng đàn từ 20 - 30% để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, năm nay do giá cả sụt giảm mạnh người chăn nuôi lợn tiếp tục bị thua lỗ người chăn nuôi vì vậy không dám tăng đàn mạnh. Tổng đàn lợn của toàn tỉnh hiện còn 134.000 con giảm 5.000 con so với năm đầu năm 2017.

Nói về việc giải quyết bài toán mất cân đối cung - cầu trong chăn nuôi trong thời gian qua, ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng chăn nuôi Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, phải cần nhiều thời gian với hàng loạt giải pháp hữu hiệu.

Theo đó, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển dịch tái cơ cấu chăn nuôi sang tập trung. Đồng thời, khuyến khích, vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi, thăm dò, nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp, tránh tình trạng phụ thuộc nhiều vào thương lái, cung vượt cầu lợn không bán được, bị ép giá dẫn đến thua lỗ./.

Hoàng Nhị

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.