|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lo ngại ‘hiệu ứng tuyết lăn’, giải pháp nào ngăn nguy cơ khủng hoảng thanh khoản trên thị trường chứng khoán?

08:15 | 08/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng bán giải chấp tài khoản lãnh đạo của các công ty địa ốc. Mỗi phiên có hàng chục cổ phiếu bất động sản giảm sàn làm gia tăng nguy cơ tạo “hiệu ứng tuyết lăn”.

 Lo ngại hiệu ứng tuyết lăn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: TrueMatter.

Hiệu ứng tuyết lăn khi thị trường bị ảnh hưởng từ tin bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo

Dễ dàng nhận thấy trong thông báo đưa ra từ các công ty chứng khoán, số lượng cổ phiếu bán giải chấp trong tài khoản lãnh đạo như ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp (Mã: DIG) và ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt (Mã: PDR) liên tục gia tăng.

Hai phiên giao dịch gần đây cổ phiếu này ghi nhận lượng cổ phiếu bán giá sàn hàng triệu đơn vị trong khi lực cầu yếu, lệnh bán giải chấp không thể thực hiện. Công ty chứng khoán phải tăng khối lượng bán giải chấp để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Ngoài hai vị lãnh đạo, các đơn vị bán giải chấp tài khoản chứng khoán của các cá nhân và tổ chức liên quan tại DIC Corp và Phát Đạt.

Ngoài DIG và PDR, thị trường còn ghi nhận một số lãnh đạo khác cũng bị bán giải chấp giai đoạn này. Tuy nhiên, khối lượng bán nhỏ và không mang tính hệ thống trên nhiều tài khoản và kéo dài trong một khoảng thời gian dài.

Trước diễn biến có phần tiêu cực của thị trường, để quản trị rủi ro nhiều công ty chứng khoán giảm mức giá chặn vay (mức giá tối đa khi cho vay), thậm chí cắt margin với nhiều mã bất động sản, trong đó có cả những bluechip.

Làn sóng bán giải chấp tài khoản các ông chủ địa ốc cộng hưởng với động thái trên từ các công ty chứng khoán tác động tiêu cực đến tâm lý chung của nhà đầu tư. Ghi nhận trong phiên 7/11 có gần 200 cổ phiếu giảm sàn, trong đó phần đông là nhóm bất động sản.

Việc nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip giảm sàn, bị cắt margin gia tăng nguy cơ tạo hiệu ứng bán lan tỏa. Với những lãnh đạo, khi không thể giải chấp, các công ty chứng khoán sẽ nâng khối lượng bán trong phiên sau đó để thu hồi margin những phiên kế tiếp.

Còn với nhà đầu tư cá nhân, để đưa tài khoản về tỷ lệ ký quỹ theo quy định, cổ phiếu khác có thể được chọn bán ra khi nhóm bất động sản mất thanh khoản bởi họ thường nắm giữ nhiều mã. Khi đó áp lực bán từ nhóm bất động sản gia lan tỏa sang các nhóm ngành khác trên thị trường.

Làm gì để chặn “hòn tuyết lăn”?

Trở lại với diễn biến nhóm bất động sản, giá cổ phiếu nhóm này đã giảm sâu kể từ đầu tháng 4 sau nhịp tăng nóng. Nhiều mã mất giá 80 – 90% giá trị, những mã vốn hóa lớn, bluechip cũng mất quá nửa từ vùng đỉnh.

Sau nhịp lao dốc với chuỗi hàng chục phiên đỏ lửa, nhóm “cổ đất” bước vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và gọi ký quỹ (call margin) dây chuyền do nhà đầu tư lo ngại về câu chuyện phát hành trái phiếu. Đây là khởi nguồn tạo “hiệu ứng tuyết lăn” như phân tích trên.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo công ty chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hầu hết phát hành trái phiếu riêng lẻ bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu. Khi cổ phiếu giảm sâu sẽ tạo ra áp lực bổ sung tài sản đảm bảo bằng cách đưa thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ an toàn lên.

Tuy vậy, trong bối cảnh dòng vốn tín dụng siết lại những tháng vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết thực hiện hai nghiệp vụ trên cổ phiếu của mình là vay margin và dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo.

Trong thời điểm này các cổ phiếu bất động sản sẽ bị hiệu ứng call margin kép, gồm bổ sung tài sản đảm bảo cho hoạt động margin khi thị giá giảm và bổ sung cổ phiếu đảm bảo cho lượng trái phiếu cũng do thị giá giảm.

“Ở điều kiện bình thường họ sẽ dễ dàng xử lý nhờ nguồn tiền dồi dào. Nhưng trong điều kiện thanh khoản như hiện tại việc xoay xở dòng tiền để duy trì margin hay bổ sung tài sản đảm bảo sẽ rất khó khăn. Vì vậy các thị trường bị bán giải chấp (force sell) dây chuyền”, vị lãnh đạo trên nói.

Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để chặn được “hòn tuyết lăn” ngày càng lớn dần?

Góc nhìn cá nhân, lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng hiện tượng này chỉ dừng lại khi có sự hỗ trợ và thỏa thuận giữa các bên gồm công ty chứng khoán, đơn vị phát hành và cá nhân đầu tư trái phiếu.

Một lãnh đạo cấp cao ngành chứng khoán chia sẻ, chiều qua (7/11), một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP HCM đã tổ chức gặp mặt các công ty chứng khoán cấp margin đồng thời là trái chủ của các lô trái phiếu để bàn về việc bổ sung tài sản đảm bảo. Trước đó, một số đơn vị có quyết định cắt margin cổ phiếu với những nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh phương án “ngồi lại thỏa thuận” như trên, dòng vốn từ bên ngoài đặc biệt là tín dụng có vai trò lớn trong việc đảm bảo thanh khoản giai đoạn này. “Dòng tín dụng cạn kiện làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán, huy động của các ông chủ hay cổ đông lớn doanh nghiệp bất động sản trên sàn. Vì vậy cũng cần thêm sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước về vấn đề “room” tín dụng”.

Nếu như thực trạng này không được giải quyết, vị lãnh đạo công ty chứng khoán đặt khả năng một cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn diện trên thị trường chứng khoán là rất rõ.

Lợi Hoàng