|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lo ngại dòng tín dụng ngân hàng chảy vào 'sân sau' bất động sản

15:32 | 18/03/2022
Chia sẻ
Câu chuyện tồn tại “sân sau” của các ngân hàng thương mại vẫn luôn là vấn đề mà các cổ đông “hoài nghi” do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính ngân hàng.
Lo ngại dòng tín dụng ngân hàng chảy vào “sân sau” bất động sản - Ảnh 1.

Lo ngại dòng tín dụng ngân hàng đổ vào "sân sau" bất động sản. (Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng – TTXVN).

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức mới đây, trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về giao dịch liên quan đến người nội bộ, ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc VIB khẳng định, ngân hàng hoàn toàn không cho vay với các doanh nghiệp liên quan đến thành viên ban lãnh đạo, ban điều hành.

Trong năm 2021, khoản vay liên quan đến người liên quan của ngân hàng chỉ có 19 tỷ đồng. VIB là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá không có cho vay "sân trước, sân sau". Đồng thời, cũng cho biết, vấn đề này được các cơ quan quản lý giám sát rất chặt chẽ.

Câu chuyện tồn tại “sân sau” của các ngân hàng thương mại vẫn luôn là vấn đề mà các cổ đông “hoài nghi” do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính ngân hàng. Hoài nghi này càng có cơ sở khi sự hiện diện của nhóm cổ đông lớn là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản ở các ngân hàng thương mại xuất hiện ngày càng dồn dập và nắm giữ các vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo ngân hàng.

Giữa năm 2021, giới tài chính khá bất ngờ khi ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là Bầu Thụy), người sáng lập Công ty cổ phần Thaiholdings, một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ông Thụy được bầu ở vị trí này với vai trò là cổ đông lớn, sở hữu khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Thaiholdings và người nhà ông Thụy đã thoái hết cổ phần tại LienVietPostBank, song bầu Thụy vẫn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng và là cổ đông lớn, nắm giữ gần 25% cổ phần tại Thaiholdings.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) công bố có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là bà Trần Thị Thu Hằng, sinh năm 1985.

Đáng chú ý, trước khi đảm nhiệm chức vụ cao nhất ở ngân hàng này, bà Hằng là thành viên HĐQT của Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 từ tháng 1/2021; đồng thời là Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KS Group. Cả 2 công ty đều có lĩnh vực hoạt động chính là phát triển, kinh doanh bất động sản.

Đến cuối tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Hương (sinh năm 1980), Giám đốc điều hành Tập đoàn Sun Group, nhà phát triển bất động sản nổi tiếng với các khu phức hợp khách sạn và giải trí lớn, vào vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng. NCB được biết là một trong 8 tổ chức tín dụng cam kết tài trợ vốn cho dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Vân Đồn (Quảng Ninh) cho Sun Group.

Hay gần đây nhất, vào tháng 2/2022, cuộc họp cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2026.

Đáng chú ý, trong số này có ông Nguyễn Thanh Hùng, là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital; đồng thời là Phó chủ tịch điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi).

Ngoài ra, mối quan hệ “mật thiết” giữa ngân hàng và các công ty bất động sản còn phải kể đến Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Tập đoàn Masterise. Phần lớn các dự án dùng để vay vốn thế chấp của Tập đoàn này đều được thực hiện tại Techcombank.

Hay như VPBank và MIK Group; SEABank và Tập đoàn BRG; HDBank và Tập đoàn Sovico… mà chỉ cần gõ lên Google cũng tìm thấy rất nhiều thông tin liên quan.

Và sẽ là thiếu sót, nếu không kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với vai trò ghi đậm dấu ấn tái cơ cấu của ông Dương Công Minh ở cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng và đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Him Lam.

Theo các chuyên gia, nếu lãnh đạo các công ty bất động sản, đồng thời là chủ sở hữu của một số các ngân hàng, tuân thủ các quy tắc hoạt động của Ngân hàng Nhà nước; cộng thêm việc các ngân hàng thực thi theo Hiệp ước Basel (Basel 2, Basel 3), vấn đề an toàn vốn và kiểm soát nội bộ được tăng cường… thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động tài chính – tiện tệ có nhiều thách thức, vấn đề này cũng dấy lên nhiều lo ngại.

Tại tọa đàm "Nhận định cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 15/3, khi đề cập đến tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết, qua thống kê, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản.

Các ngân hàng cũng là đối tượng phát hành nhiều trái phiếu, song mục đích chính là bổ sung vốn cấp 2, để có thêm nhiều cơ hội cho vay.

Theo vị chuyên gia này, dòng tín dụng của ngân hàng đang tập trung vào các “sân trước, sân sau”, mà chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn “sân sau” lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật của các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại.

Trước đó, cuối năm 2021, tại một hội thảo có chủ đề liên quan đến vụ mất thanh khoản của tập đoàn bất động sản “khổng lồ” Evergrande (Trung Quốc), ông Nghĩa cũng cho biết, các tập đoàn bất động sản “sân sau” của ngân hàng có tình hình tài chính rất đáng báo động.

Nghĩa vụ nợ trên tổng tài sản, nghĩa vụ nợ trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán rất yếu. Thậm chí, còn đáng báo động hơn cả tình hình của Evergrande và cần phải được cải thiện.

Đáng chú ý, mới đây nhóm chuyên gia kinh tế, bao gồm Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol Anh; ông Nguyễn Hữu Tuấn, chuyên gia phân tích đầu tư; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trang cùng thuộc Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số cảnh báo về vấn đề này.

Cụ thể, trên chuyên mục Viễn cảnh 2022 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Singapore) ngày 17/2/2022, nhóm chuyên gia nhận định, kể từ năm 2010, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã được xử lý, giám sát hiệu quả.

Tuy nhiên, một hình thức nắm giữ chéo phức tạp hơn đã xuất hiện trong những năm gần đây, với ngày càng nhiều công ty bất động sản trở thành những người có quyền quyết định ở các ngân hàng thương mại. Điều này làm dấy lên lo ngại các công ty bất động sản có thể làm sai lệch các hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng; Tổng dư nợ cho vay và số dư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Số dư này bao gồm cả trái phiếu do các công ty của khách hàng phát hành cho tổ chức cho vay.

“Do hầu hết các công ty bất động sản đều sở hữu nhiều công ty con, họ có thể vượt qua các giới hạn này bằng cách cho các công ty con vay từ các ngân hàng. Ngoài ra, những các nhà phát triển cũng có thể sử dụng các doanh nghiệp liên kết mà chủ sở hữu không liên quan để vay từ cùng một ngân hàng.

Trong những trường hợp như vậy, các ngân hàng có thể cho vay các nhóm liên kết hơn 25% vốn sở hữu mà không biết rằng họ đã thực sự vượt qua giới hạn”, báo cáo nhận định.

Trong khi hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại có thể báo động đỏ đối với các giao dịch này, tuy nhiên nếu lãnh đạo ngân hàng là nhà phát triển bất động sản hoặc những người có liên quan, thì họ có thể ngăn chặn những cảnh báo như vậy.

Và thực tế, đã có những trường hợp tương tự trong các ngân hàng châu Âu. Chẳng hạn như Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) trong vụ bê bối với Công ty tài chính Greensill Capital, khi các cảnh báo đã bị các giám đốc điều hành của ngân hàng phớt lờ.

Các chuyên gia lưu ý, với sự gia tăng của ngân hàng bóng tối, ứng dụng fintech và các tổ chức cho vay bán lẻ, việc theo dõi sự dịch chuyển dòng tiền có thể sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều, vì các công ty vỏ bọc có thể vay từ các nhóm khác nhau của một ngân hàng thương mại.

Do đó, rất khó cho các cơ quan quản lý xác định bao nhiêu ngân hàng tiếp xúc với một người đi vay cuối cùng cũng như khó giám sát số lượng các ngân hàng bị các công ty bất động sản “thao túng”.

Chưa kể, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng có thể xấu đi nếu các nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào việc cho vay các công ty “sân sau" mà bỏ qua các hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến việc phân bổ sai nguồn lực và giảm hiệu quả của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế…

Để tránh những rủi ro này, cơ quan quản lý cần có một hệ thống thông tin tốt hơn để theo dõi quyền sở hữu của các ngân hàng và giảm thiểu tình trạng sở hữu tập trung; đồng thời, yêu cầu có sự đa dạng trong HĐQT và nâng cao vai trò của thành viên HĐQT độc lập.

Khi quyền sở hữu không tập trung vào một vài cổ đông lớn và thành viên HĐQT độc lập có thể loại bỏ phương thức kinh doanh mờ ám; các ngân hàng sẽ được quản lý tốt hơn và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những cú sốc bên ngoài cũng như tránh được những trường hợp như Evergrande xảy ra ở Việt Nam - nhóm chuyên gia khuyến nghị./.

Hứa Chung