|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính
[ Live ]

ĐHĐCĐ VIB: Lãi quý I khoảng 2.200 tỷ, mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ trong năm 2022

08:43 | 16/03/2022
Chia sẻ
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VIB đã thông qua kế hoạch lãi 10.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021. Trong giai đoạn chuyển đổi lần 2 (2022-2026), VIB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng kép tối thiểu 30%/năm.
[LIVE]: ĐHĐCĐ VIB: Lãi quý I khoảng 2.200 tỷ, mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng kép tối thiểu 30%/năm trong giai đoạn 2022-2026 - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VIB sáng ngày 16/3.

Kế hoạch lãi 10.500 tỷ trong năm 2022, tăng vốn điều lệ lên hơn 21.000 tỷ

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) diễn ra vào sáng nay (16/3), HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm với lợi nhuận mục tiêu 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021.

Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bên cạnh đó, VIB có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

[LIVE]: ĐHĐCĐ VIB: - Ảnh 1.

(Đvt: Tỷ đồng. Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu ngoài mảng tín dụng truyền thống sang các sản phẩm mang lại thu nhập ngoài lãi để đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao hiệu suất sinh lời và duy trì ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) ở top đầu toàn ngành với tỷ lệ 30%, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế.

Trong giai đoạn chuyển đổi lần 2 (2022-2026), VIB đặt ra các mục tiêu: Tăng trưởng kép lợi nhuận trong tối thiểu 30% mỗi năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ USD, đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng 5 lần, nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.

Kết thúc giai đoạn chuyển đổi lần 1 (2017-2021) với những con số tăng trưởng 

Trong suốt 5 năm đầu của hành trình chuyển đổi 2017-2026, VIB tập trung xây dựng hệ thống quản trị vững mạnh, đạt được những kết quả nổi bật trong ngành ngân hàng về tốc độ tăng trưởng, thị phần và kết quả kinh doanh.

Cụ thể, lợi nhuận của VIB tăng gấp 11 lần sau 5 năm, vượt 8.000 tỷ đồng trong năm 2021. Quy mô tổng tài sản tăng gấp 3 lần, từ 100.000 tỷ đồng vào năm 2016 vượt mốc 310.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về tín dụng và huy động lần lượt đạt 25% và 29% trong 5 năm liên tục.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo VIB, kết quả kinh doanh tăng trưởng đến từ ba mảng cốt lõi: Ngân hàng bán lẻ, ngân hàng khách hàng doanh nghiệp, nguồn vốn - ngoại hối.

Trong đó, ngân hàng bán lẻ là trọng tâm chiến lược, được VIB đầu tư mạnh mẽ nhất với mục tiêu đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về cả chất lượng và quy mô.

Tính đến hiện tại, VIB dẫn đầu tỷ trọng bán lẻ toàn ngành với gần 90% danh mục tín dụng, so với trung bình ngành 40%. Trong đó, gần 95% danh mục có tài sản đảm bảo.

Xét về quy mô, VIB nằm trong Top 4 ngân hàng TMCP tư nhân có mảng bán lẻ lớn nhất và liên tục dẫn đầu thị phần trong các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như cho vay ô tô, bảo hiểm nhân thọ, thẻ tín dụng. Trong 5 năm qua, 97% giao dịch của khách hàng VIB được thực hiện trên nền tảng số.

Vốn hóa vượt 3,2 tỷ USD sau hơn một năm niêm yết 

Tính đến hết năm 2021, vốn hóa của VIB vượt 70.000 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD), gấp 2,4 lần so với ngày đầu chuyển sàn HOSE và nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân, đứng thứ 19 trong các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Trong năm 2021, cổ phiếu VIB nằm trong Top 3 ngân hàng có cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường, thuộc nhóm 12 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số VN-Index trong năm.

Lãi quý I khoảng 2.200 tỷ 

Chia sẻ tại đại hội, ông Hồ Vân Long, Phó TGĐ VIB, cho biết lãi quý I/2022 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng trên 5%.

Thảo luận:

- Hiện nay, sản phẩm cho vay bất động sản (BĐS) hiện nay của VIB chủ yếu dành cho đối tượng hộ gia đình. Sắp tới ngân hàng có hướng đến cho vay doanh nghiệp dự án không? 

Ông Sơn: Trong hoạt động tín dụng có VIB có 87% cho vay khách cá nhân, 10% cho vay doanh nghiệp và 3% cho các định chế tài chính vay.

Đối với cho vay cá nhân, sản phẩm nhà đất chiếm 48% và chúng tôi đã xây dựng ba cấp độ cho vay đối với sản phẩm này: Xây dựng công việc phòng ngừa rủi ro, phát hiện rủi ro và triển khai thu hồi nợ khi có rủi ro một cách nhanh nhất.

Thời gian qua, VIB đã làm việc với nhiều tổ chức để tính toán về rủi ro các hoạt động tín dụng ngân hàng. Điểm tích cực của VIB là tổn thất sau phát sinh nợ xấu của sản phẩm cho vay nhà đất bằng 0, tức ngân hàng không bị mất vốn.

VIB hạn chế tối đa cho vay doanh nghiệp dự án mà chủ yếu cho vay tiêu dùng và lựa chọn từng địa bàn cho khách hàng vay.

VIB có cho vay dự án doanh nghiệp đầu tư nhưng chúng tôi xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá dự án nào sẽ được VIB tài trợ vốn.

Đối với dự án đủ điều kiện cho vay của VIB, chúng tôi tiến hành ký hợp đồng ba bên (khách hàng, doanh nghiệp chủ đầu tư và VIB). Trong đó, doanh nghiệp dự án phải đảm bảo về mặt tài chính và pháp lý để chúng tôi có thể xử lý ngay khi phát sinh rủi ro.

Tất cả các tài sản đảm bảo của bên vay sẽ được 5 đơn vị định giá độc lập định giá. Đối với những dự án tốt nhất, VIB cũng chỉ cho vay tối đa 80% trên giá trị tài sản đảm bảo.

Tính đến hiện tại, VIB đã cho vay các dự án của Công ty Phú Mỹ Hưng, dự án Gamuda, Park City (Maylasia),… Chúng tôi cũng khẳng định, VIB không tài trợ cho các dự án ở Cần Giờ, Phú Quốc hay các dự án ven biển có rủi ro cao.

- Tăng trưởng tín dụng năm 2021 của VIB là 19,1% và ngân hàng đặt kế hoạch 2022 là 30%. Cơ sở nào để đạt mục tiêu này? 

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB: Kế hoạch này không chỉ phụ thuộc vào room tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp, cũng chưa biết thời hạn chốt room.

Kế hoạch chúng tôi đặt ra dựa trên lực quản trị rủi ro của VIB. Trên thực tế, có những năm tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 34% - tỷ lệ này phù hợp năng lực phát triển và khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng. Tất nhiên cũng không thể kỳ vọng quá cao đến tỷ lệ 40-50%.

Room NHNN cấp cũng dựa trên kỳ vọng, năng lực phát triển của ngân hàng. Đơn cử như năm 2019, VIB được cấp room 34% do ngân hàng hoàn tất sớm Basell 2.

- VIB có cho vay doanh nghiệp sân sau không? 

Ông Ân Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban Pháp chế và Quản trị Doanh nghiệp VIB: VIB không cho vay doanh nghiệp có liên quan đến ban lãnh đạo. VIB cũng là một trong số ít ngân hàng được NHNN đánh giá không cho vay sân trước sân sau. 

- Điều gì tạo sự khác biệt về lĩnh vực ngân hàng số của VIB trên thị trường? 

Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ Ngân hàng: Từ nhiều năm nay, VIB tập trung đầu tư công nghệ, trong đó có tài khoản online và các app, 91% giao dịch ngân hàng bán lẻ được thực hiện thông qua app MyVIB.

VIB tập trung vào ba trụ cột: Ứng dụng (số hóa và số hóa nghiệp vụ); ngân hàng số (MyVIB, mobile app,…) và khai thác dữ liệu ngân hàng (ứng dụng AI phân tích hành vi khách hàng, phát triển mạnh về doanh thu bán bảo hiểm và thẻ).

Trong năm 2021, lượng bán thẻ qua website của ngân hàng tăng 50 lần so với năm 2020. Dự kiến trong năm 2022, VIB sẽ ra mắt ứng dụng MyVIB 2.0.

Về đầu tư, gần 10 năm nay, VIB dành ngân sách khoảng 6-8% trên doanh thu thuần để đầu tư vào công nghệ.

- VIB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vậy hiện nay lượng khách hàng cá nhân của ngân hàng là bao nhiêu và VIB dự kiến tăng lên bao nhiêu trong 5 năm tới? Cơ sở nào cho mục tiêu này? 

Ông Hàn Ngọc Vũ: Trọng tâm phát triển của VIB là ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, VIB có 3,8 triệu khách hàng, tính đến cuối năm 2021, con số này tăng gấp đôi trong giai đoạn 5 năm kể từ năm 2016

Trong 5 tới, VIB hướng đến mục tiêu đạt 10 triệu khách hàng, tương ứng gấp 2,6 lần con số hiện tại.

Theo đánh giá của chúng tôi, kế hoạch này rất khả thi và được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Trong đó, VIB hướng đến ngân hàng bán lẻ có nền tảng tăng trưởng khách hàng cá nhân mạnh mẽ so với khối khách hàng doanh nghiệp, các định chế tài chính,...

Tất cả sản phẩm từ cho vay, huy động tiền gửi, cho vay ô tô, bán bảo hiểm, phát hành thẻ,… đều là sản phẩm chủ đạo để phát triển lượng khách hàng của VIB trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, VIB hợp tác với cả nội bộ và bên ngoài để phát triển lượng khách hàng như Zalo và chia sẻ quyền lợi cho hai bên. 

Chúng tôi cũng kết hợp hai kênh bán hàng truyền thống và ngân hàng số. Trong đó, kênh truyền thống của VIB được phát triển trong thời gian vừa rồi (diện mạo công sở được chỉnh trang, cải tạo cơ sở vật chất bên trong và tăng độ phủ,...). 

Mặt khác, chúng tôi cũng dành khoản chi phù hợp cho  hoạt động marketing để khách hàng biết đúng về VIB, giúp việc kết nối với khách hàng diễn ra thuận lợi hơn. 

Ngoài ra, chúng tôi chú trọng, tăng cường đội ngũ bán hàng không chỉ về chính sách lương thưởng, đào tạo mà cả về số lượng nhân viên cũng rất lớn, 92% nhân viên của VIB là nhân viên bán hàng dịch vụ.

- Khả năng lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay bị kiểm soát sẽ ảnh hưởng như thế nào đến NIM của ngân hàng? 

Ông Hàn Ngọc Vũ: Có thể việc lãi suất huy động tăng và lãi suất cho vay giảm có ảnh hưởng đến NIM vì việc huy động diễn ra theo mặt bằng thị trường. 

Trường hợp lãi suất không đạt được như kỳ vọng thì không huy động được nhiều từ thị trường M1. Chúng tôi sẽ cố gắng cân bằng huy động từ hai thị trường M1 và M2.

- VIB có kế hoạch huy động vốn như thế nào để đáp ứng tăng trưởng tín dụng? 

Ông Hàn Ngọc Vũ: Huy động vốn luôn luôn là bài toán cân bằng giữa M1 và M2, đảm bảo giá thành huy động vốn ở mức tốt để cân bằng lợi nhuận ngân hàng và lợi ích của cổ đông. 

VIB năm rồi huy động từ các định chế tài chính quốc tế và đang đàm phán để huy động tiếp với lãi suất tốt.

Những hoạt động trong thời gian qua không có nghĩa VIB không chú ý đến huy động từ M1, đặc biệt là CASA. Mỗi tổ chức nên chọn cho mình những việc ưu tiên ở những giai đoạn. Những năm gần đây chúng tôi tập trung vào CASA và CASA ba năm vừa rồi tăng từ 11% lên 16%.

Tất cả các tờ trình tại đại hội đều được cổ đông thông qua. 

Nguyên Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.