|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lỗ lũy kế còn 2.900 tỷ đồng, PVC liên tục thoái vốn huy động tiền

16:02 | 09/03/2017
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh dần cho thấy sự chuyển biến, song do những hệ lụy quá khứ, đến cuối năm 2016, PVC vẫn lỗ lũy kế 2.900 tỷ đồng. Hiện tổng công ty này đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi PVC-ID và PVSD, ưu tiên trước hết là nhằm bù đắp nguồn thiếu hụt của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC – mã chứng khoán: PVX) vừa công bố Quyết định phê duyệt phương án thoái phần vốn góp của PVC tại Công ty cổ phần Trang trí nội thất dầu khí (PVC-ID, mã chứng khoán: PID).

Theo đó, PVC muốn chuyển nhượng toàn bộ 3 triệu cổ phần tại PVC-ID với giá chuyển nhượng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Thời gian thực hiện và hoàn thành trước 31/12/2017.

HĐQT PVC ủy quyền cho Tổng giám đốc chủ động triển khai các thủ tục liên quan, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đạt hiệu quả tối đa cho tổng công ty.

lo luy ke con 2900 ty dong pvc lien tuc thoai von huy dong tien
Việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đang là ưu tiên số 1 về nguồn vốn huy động của PVC

Theo yêu cầu của HĐQT PVC, nguồn tiền thu được từ đợt thoái vốn khỏi PVC-ID sẽ tuân thủ theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Trước hết là để bù đắp nguồn thiếu hụt của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; thứ hai là bù đắp nguồn chi thường xuyên của Tổng công ty (tối thiểu hết năm 2017); thứ ba là trả nợ các khoản vay của Tập đoàn; và cuối cùng là đảm bảo vốn lưu động cho chi nhánh phía Bắc.

Mới đây, HĐQT PVC cũng có Quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án thoái 3 triệu cổ phần tương đương 27% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà (PVSD - mã SDP) cho 3 nhà đầu tư cá nhân thông qua phương thức thỏa thuận trực tiếp, giao dịch qua Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Số tiền thu về từ đợt thoái vốn trên cũng được sử dụng theo thứ tự ưu tiên là: Bù đắp thiếu hụt của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; bù đắp nguồn chi thường xuyên của Tổng công ty (tối thiểu đến hết năm 2017); trả nợ các khoản vay của tập đoàn; và đảm bảo vốn lưu động cho chi nhánh phía Bắc.

Mới đây, PVC công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 với kết quả lỗ 107,75 tỷ đồng, qua đó kéo sụt kết quả lãi cả năm xuống còn 157,15 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, PVC vẫn còn lỗ lũy kế lên tới 2.900 tỷ đồng (cuối năm 2015 còn trên 3.028 tỷ đồng).

Tổng công ty này cũng cập nhật hoạt động sản xuất kinh doanh chính, cho biết đã đẩy mạnh tiến độ thi công công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, công trình khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và các công trình trọng điểm khác.

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), mỗi năm dự kiến sản xuất được 6,739 tỉ kWh điện thương phẩm. Vào năm 2011, Petro Vietnam (chủ đầu tư) ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.

Theo thông tin ban đầu từ phía Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46), sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng là 425 tỷ đồng, thanh toán lãi vay uỷ thác của Petro Vietnam là 55 tỷ đồng, hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Ngoài ra, PVC còn góp vốn vào 5 công ty con gồm: công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng. Đến nay 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.

Từ quý III/2016, C46 đã bắt tay làm rõ việc PVC sử dụng nguồn tiền của dự án nhiệt điện Thái Bình để đầu tư vào PVC - Land và PVC - Mekong có đúng với quy định của pháp luật hay không.

Bích Diệp