|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lo lắng vì ngân sách cho khoa học công nghệ có 9.700 tỉ mà không dùng hết

09:27 | 13/06/2017
Chia sẻ
Nhiều đại biểu cho rằng chi thường xuyên vượt dự toán nhưng các khoản chi quan trọng cho sự nghiệp khoa học - công nghệ, giáo dục… lại thấp hơn dự toán. Do đó, cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan để khắc phục, thậm chí quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý.
lo lang vi ngan sach cho khoa hoc cong nghe co 9700 ti ma khong dung het mot the gioi
Chi cho khoa học - công nghệ chỉ chiếm 0,2% GDP

Nghịch lý trong chi thường xuyên

Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), trong những năm qua chi cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có tăng lên nhưng vẫn chưa đạt theo nghị quyết của Quốc hội.

Đồng tình với điều này, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ: “Tôi thấy bội chi ngân sách đến 6,28% tuy nhiên chi cho khoa học công nghệ chúng ta lại chi không đạt kế hoạch. Chúng ta bố trí có 9.700 tỉ đồng nhưng sử dụng không hết, chưa đạt là 96%. Đây là con số tôi cảm thấy hết sức lo lắng”.

Theo vị này, những nước hiện nay phát triển đột phá, họ đi tắt đón đầu từ khoa học công nghệ. Thế nhưng, “chúng ta bố trí chưa được 10 ngàn tỉ đồng mà còn dùng không hết. Tôi nghĩ rằng có thể do thủ tục thanh toán hay do quy định không được rõ ràng thành ra việc thanh toán không đảm bảo yêu cầu”.

Đại biểu này cũng khẳng định, nếu Việt Nam không tập trung cho khoa học và công nghệ thì chắc chắn sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, không có con đường nào khác.

“Nếu chúng ta phát triển công nghiệp, nông nghiệp như hiện nay, cả dịch vụ thương mại thì chúng ta cũng không thể nào có nguồn thu đột phá”, ông Thể nói.

Do đó, vị này mong muốn trong những năm tới cần phải bố trí vốn cho khoa học và công nghệ nhiều hơn, có thể chiếm 1-2% GDP. Theo tổng chi ngân sách 2015 thì chi cho khoa học công nghệ chiếm 0,6%, còn nếu tính GDP có 0,2% GDP. Như vậy con số này rất thấp.

“Tôi đề nghị tháo gỡ khó khăn chỗ này thì các bộ, ngành sẽ xem. Tuy nhiên, tôi muốn đầu tư lĩnh vực này nhiều hơn, có nhiều công trình nghiên cứu đột phá hơn chúng ta mới có thể thực hiện tốt”, đại biểu này nói.

lo lang vi ngan sach cho khoa hoc cong nghe co 9700 ti ma khong dung het mot the gioi
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) phát biểu trước Quốc hội - ảnh VPQH

Cùng góc nhìn, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu quan điểm, qua kết quả kiểm toán cho thấy chi thường xuyên năm 2015 tăng vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng cho sự nghiệp khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, đảm bảo xã hội lại thấp hơn dự toán, không hoàn thành theo dự toán Quốc hội quyết định. Trong khi đó các khoản chi đầu tư phát triển luôn vượt dự toán và vượt rất cao, khoảng 37%.

“Nguyên nhân tăng do khách quan hay chủ quan? Bản thân tôi tin không phải do khách quan mà hoàn toàn do chủ quan. Nội dung này báo cáo cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan để khắc phục, thậm chí quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý”, ĐB Diến nói.

Đồng tình với điều này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng việc chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí, đặc biệt là lập phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA bất cập, kéo dài, yếu kém là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm. Do đó, cần làm rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm.

Miễn giảm thuế… quá nhanh!

Phát biểu ý kiến, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng tình trạng lồng ghép các chính sách xã hội và chính sách thuế, sử dụng công cụ thuế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mang tính xã hội còn phổ biến. Điều này làm mất đi tính trung lập của thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động phần nào đến thu ngân sách nhà nước. Theo ước tính của Chính phủ, hiện nay cứ giảm 1% thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc giảm thu từ ngân sách nhà nước 6.000 tỉ đồng. Tỷ lệ động viên vào ngân sách cũng thấp hơn nhiều so với với các nước trong khu vực như là Thái Lan, Lào, Malaysia.

Bên cạnh đó, nếu tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sẽ không bảo đảm tính thống nhất với những chính sách vừa ban hành. Cụ thể tại Nghị quyết 15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm đã nêu rõ nhiệm vụ thu hẹp diện miễn, giảm thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế, rà soát chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách.

“Việc miễn, giảm thuế trong một số trường hợp cũng tạo tâm lý chưa thực sự bình đẳng giữa người được miễn, giảm và đối tượng không được miễn, giảm, trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng”, đại biểu nói.

Giải trình về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong thời gian vừa qua thuế thu nhập doanh nghiệp giảm quá nhanh, từ 25% xuống 20%; thuế thu nhập cá nhân cũng cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu và nhiều chính sách miễn thuế khác. Điều này dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên.

“Trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ nêu không ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước thì chúng ta phải gác cửa việc này. Chúng tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng”, Bộ trưởng nói.

lo lang vi ngan sach cho khoa hoc cong nghe co 9700 ti ma khong dung het mot the gioi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đồng tình rằng Việt Nam đang giảm thuế quá nhanh - ảnh VPQH

Lãnh đạo ngành tài chính cũng cho biết có tình trạng trốn thuế, khai man thuế. Nếu trước kia doanh nghiệp kê khai, cán bộ thuế kiểm tra ký rồi mới nộp thuế thì hiện nay doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. “Gần như kiểm tra doanh nghiệp nào về thuế cũng có vi phạm hết, lớn thì vi phạm lớn, bé thì thì vi phạm bé”.

Ví dụ, năm 2015 chúng tôi thanh tra, kiểm tra 79.297 doanh nghiệp, với số kiến nghị xử lý thu vào ngân sách Nhà nước là 12.351 tỉ đồng, giảm khấu trừ 1.239 tỉ, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra 23.044 tỉ đồng. Chỗ này là chuyển giá. Cả doanh nghiệp FDI thì tổng số đến 36.600 tỉ đồng phải xử lý tài chính. Tuy nhiên, con số năm 2016 còn lớn hơn.

Biên chế phình ra thì không thể cơ cấu được ngân sách

"Cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề về tiền lương. Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được".

"Chuyển giá không phải sản xuất mới chuyển giá, nó chuyển giá từ khâu đầu tư. Thiết bị cũ vào thì bảo mới, giá thấp thì bảo giá cao, chuyển giá sau đó khấu hao đưa vào chi phí thì khấu hao theo giá cao. Chúng tôi thấy việc này là trách nhiệm của các ngành, các cấp phải tham gia vào, kể cả khâu cấp phép đầu tư, kể cả khâu giám sát đầu tư, không phải riêng của cán bộ thuế, không phải riêng của ngành thuế mà làm được chuyện này".

(Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng)

Hoài Phong

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.