Lo dịch tả lợn châu Phi quay lại, nông dân vẫn 'sợ hãi' khi tái đàn
"Cơn bão" dịch tả lợn Châu Phi càn quét đã làm cho ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề. Tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - một trong những "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, người dân "treo chuồng" đã lâu, nay rất nóng lòng muốn tái đàn khi lợn đang được giá.
Song, nhiều hộ nông dân không khỏi lo lắng: nếu dịch tả lợi châu Phi bùng phát trở lại thì họ lại rơi vào cảnh trắng tay.
Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hà Nam, đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi và cùng với chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi sẽ là điều kiện để người chăn nuôi tái đàn lợn.
Sau khi chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí có hộ nông dân còn bị phá sản, nợ nần chồng chất vì bão dịch, bão giá, các hộ dân chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục giờ đây rất thận trọng khi tái đàn. Họ vẫn không thể quên kí ức buồn khi cả xã điêu đứng vì cơn bão dịch tả lợn châu Phi hoành hành năm ngoái.
"Chỉ trong vòng chục ngày mà mấy chục tấn lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Hiện giờ dù muốn gây giống nuôi lại nhưng tôi vẫn ám ảnh bởi cảnh trắng tay vì dịch", chị Nguyễn Thị Hiền - chủ một trang trại nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ chia sẻ.
Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra cú sốc rất lớn đến ngành chăn nuôi lợn. Qua sự việc này, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các hộ chăn nuôi đều cho rằng chăn nuôi có kiểm soát; trong đó chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng.
Đây chính là bài học mà nhiều hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ đã "học thuộc lòng" bởi chính họ đã phải trả giá rất đắt khi chăn nuôi ồ ạt, chủ quan với dịch bệnh trong thời gian vừa qua.
Anh Phạm Bá Thắng, chủ đại lý thức ăn gia súc, đồng thời cũng là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất tại xã Ngọc Lũ hiện nay cho hay: Chăn nuôi an toàn sinh học là chìa khóa để tái đàn lợn thành công.
Muốn lợn khỏe mạnh phải chọn được giống tốt, chăn nuôi đảm bảo kĩ thuật, quy trình vệ sinh sạch sẽ, tiêm thuốc đúng chỉ dẫn của cán bộ thú ý.
"Kinh nghiệm chăn nuôi cũng hết sức quan trọng bởi người nuôi phải luôn sát sao với tình hình sức khỏe của đàn lợn, có dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay với cán bộ thú y và cơ quan chức năng ở địa phương.
Quy mô chăn nuôi lớn nếu không thận trọng thì sẽ mất trắng cả nghìn con lợn và thiệt hại khó lường", anh Thắng nói.
Một điều quan trọng nữa khi tái đàn lợn là khâu tổ chức bộ máy giám sát ở địa phương, đặc biệt là cán bộ thú y, khuyến nông cấp xã giúp cho việc phát hiện bệnh sớm cũng như bao vây dịch để việc phòng, chống được hiệu quả.
Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, có thời điểm toàn xã có mấy chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi với số lợn bị bệnh lên tới gần nghìn con, tổng trọng lượng gần 30 tấn, trong đó số lượng lợn nái bị nhiễm dịch cũng rất lớn. Do đó, việc tái đàn hiện nay hết sức khó khăn.
Người chăn nuôi tha thiết muốn tái đàn trong bối cảnh lợn đang được giá, nhưng con giống hiện nay rất đắt, hơn 3 triệu đồng/con tầm 8-10kg nên lượng vốn bỏ ra để tái đàn rất lớn. Nhiều hộ dân lực bất tòng tâm, "cầu cứu" sự hỗ trợ của chính quyền.
"Lúc cao điểm, tổng đàn lợn của xã Ngọc Lũ vào khoảng 100.000 con, đó là vào thời kỳ những năm 2016-2017. Lúc ấy có khoảng 1.600 hộ nuôi lợn. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn 24.000 đến 25.000 con, số hộ nuôi chỉ còn khoảng 300", ông Trần Đình Thiện thông tin.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Đỗ Thế Trọng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục cho biết, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện mong muốn tìm con giống để tái đàn song thời điểm hiện tại đang khan hiếm, nếu có tìm được nguồn thì giá rất cao.
Các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi từ chăn nuôi lợn sang các loại gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng…
Trong thời gian tới tỉnh Hà Nam sẽ phê duyệt đề án tái đàn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn bằng một số mô hình lợn đực giống, lợn nái (10 con/1 mô hình) với mức hỗ trợ giảm 50% tiền giống, ông Trọng cho hay.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục khuyến cáo, để tái đàn, tăng đàn, trước hết phải bảo đảm được an toàn dịch bệnh.
Do vậy, cần xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời tổ chức tốt các đợt tổng vệ sinh môi trường khu vực chuồng trại, những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để giám sát, kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra.