|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải ngân gần 20 tỉ đồng cho hộ dân vay vốn tái đàn lợn

12:21 | 21/06/2020
Chia sẻ
Sau gần một tháng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay tái đàn lợn của UBND tỉnh Bình Định, người chăn nuôi tại huyện Hoài Ân - vựa nuôi lớn nhất miền Trung đã vay gần 20 tỷ đồng để tái đàn.
Giải ngân gần 20 tỉ đồng cho hộ dân vay vốn tái đàn lợn - Ảnh 1.

Người chăn nuôi lợn tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã vay gần 20 tỷ đồng để tái đàn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Ân, từ ngày 27/5 đến nay, điểm giao dịch này đã giải ngân được gần 20 tỷ đồng cho 396 hộ dân vay vốn tái đàn lợn; trung bình mỗi hộ vay 50 triệu đồng. Huyện Hoài Ân được tỉnh Bình Định phân bổ 30 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp người chăn nuôi tái đàn lợn. Dự kiến, đến cuối tháng 6 sẽ hoàn thành giải ngân toàn bộ số vốn này.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) cho biết, trại của gia đình có gần 50 con lợn thịt và một số lợn mẹ. Số vốn vay 50 triệu đồng này giúp gia đình có thêm chi phí để mua con giống, thức ăn, khôi phục lại nghề chăn nuôi. Chỉ tính riêng phần lãi suất được tỉnh hỗ trợ, mỗi tháng gia đình ông không phải trả khoản lãi 330.000 đồng với gói vay này.

Từ ngày 27/5, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định 2046/QĐ-UBND về việc hỗ trợ phát triển tái đàn lợn và dành ra gói 150 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với người nuôi; trong đó, vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội là 75 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cân đối nguồn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định là 75 tỷ đồng.

Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tiền lãi vay vốn tối đa không quá 12 tháng với mức lãi suất vay là 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng (bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo).

Đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, người trực tiếp chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh chuồng trại theo quy định và tự nguyện cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh. Mức cho vay tối đa là 5 triệu đồng/lợn và tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ gia đình, người lao động, cơ sở chăn nuôi trong thời hạn dài nhất là 12 tháng.

Số vốn vay ưu đãi này được dành để mua con giống, thức ăn, thuốc và mở rộng chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất vay và các khoản chi phí phát sinh cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trên cơ sở dư nợ cho vay.

Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, tổng đàn lợn thịt của địa phương đang chăn nuôi hiện chỉ còn khoảng 200.000 con, chỉ bằng nửa tổng đàn vào lúc cao điểm cuối năm 2019.

Mục tiêu của huyện là phát triển tái đàn lên khoảng 300.000 con trong thời gian tới. Tuy nhiên, huyện còn gặp nhiều khó khăn trong tái đàn vì chi phí con giống thời điểm này rất cao (từ 3,5 – 4 triệu đồng/con giống), trong khi đó giá lợn thịt liên tục biến động, không ổn định.

Mức giá 70.000 đồng/kg như hiện nay (từ 81.000 - 84.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc) thì những người chăn nuôi không tự sản xuất được con giống hoàn toàn và cũng không có lợi nhuận, ông Khúc bày tỏ./.

Phạm Kha