|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo giống: Nút thắt lớn trong tái đàn

17:22 | 24/05/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá heo giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con. Con số này gấp 2,5 - 3 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Giá heo giống quá cao vì thiếu nguồn cung

Một trong những khó khăn trong việc tái đàn hiện nay ngoài thiếu vốn thì tình trạng khan hiếm con giống hiện nay đang là nút thắt lớn.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do các tháng 5, 6 và 7/2019 là giai đoạn cao điểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, các cơ sở chăn nuôi heo không cho phối hoặc hạn chế phối giống, nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. 

Năm 2019 do dịch tả heo châu Phi, đàn nái giảm còn trên 2,72 triệu con (theo báo cáo từ các địa phương).

Trong đó, đàn nái cụ kị và ông bà tương đối ổn định qua nhiều năm, mặc dù năm 2019 dịch tả heo châu Phi nhưng đàn nái cụ kị và ông bà vẫn giữ được khoảng 109 ngàn con (chỉ giảm 9% tương đương 11 nghìn con).

Theo Cục Chăn nuôi đây là đàn nái quyết định việc sản xuất giống bố mẹ và sản xuất con giống cho sản xuất, dự kiến tăng trưởng đàn nái năm 2020 là 0,5%/tháng (6%/năm)

Từ cuối tháng 8/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn heo thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019 đầu 2020 mới tái đàn. 

Tại hội nghị thúc đẩy tái đàn trong chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết thời điểm đỉnh dịch, doanh nghiệp không dám thay nái. Tính đến tháng 8/2019, lượng heo nái của công ty giảm 10 - 15%.

Đồng thời, vừa qua các doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá heo giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Con số này gấp 2,5 - 3 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. 

Tại một buổi hội thảo về giá heo và bảo vệ người tiêu dùng diễn ra hôm 15/6, ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết hiện tại đối với heo giống xách tay 7 kg/con, công ty chủ yếu cung cấp cho các trang trại đối tác của C.P.

Ông Thép cho hay nguyên nhân chính dẫn đến giá heo giống tăng cao hiện nay vẫn là chênh lệch cung cầu khi giá heo hơi liên tục lập đỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết ngoài vấn đề cung cầu, đặc thù sinh học của heo giống cũng là nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm như hiện nay.

Theo đó, sau khi thụ thai, heo nái mất 3 tháng 3 tuần mới sinh. Sau đó phải mất thêm 21 - 28 ngày con heo giống mới cai sữa xong và có thể xuất bán.

Việc giá heo hơi thời gian qua tăng cao kỉ lục, có nơi đạt tới 100.000 đồng/kg đã tạo sức hút lớn đối với những hộ chăn nuôi trong việc tái đàn.

Tuy nhiên, khi giá con giống quá cao, các chi phí chăn nuôi khác như thức ăn, thú y tăng kèm với nỗi lo dịch bệnh có thể quay trở lại trở lại khiến nhiều hộ dân không khỏi e ngại.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết cho biết chi phí chăn nuôi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch lên mức 60.000 đồng/kg. Trong đó, chi phí con giống chiếm tới 50%. 

Đối với doanh nghiệp lớn, chi phí chăn nuôi là 50.000 đồng/kg. Hiện nay, cơ cấu cung cấp thịt heo ra thị trường của 15 doanh nghiệp lớn là 35% còn lại 65% là các hộ nhỏ lẻ, theo số liệu của Cục Chăn nuôi.

"Nhiều hộ phải bỏ chuồng phần vì hết vốn, phần vì giá con giống quá cao trong khi nỗi lo dịch bệnh quay trở lại vẫn còn thường trực", ông Thắng nói.

Quí III sẽ đủ nguồn cung heo giống?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến đến quí III, quí IV/2020 sẽ đảm bảo cơ bản nhu cầu heo giống, heo thương phẩm.

12/2019

Q1/2020

Q2/2020

Q3/2020

Q4/2020

Bình quân/Tổng

Tổng đàn heo có mặt (1.000 con)

21.732

23.978

25.875

27.458

29.139

26.612

Tổng đàn nái có mặt (1.000 con)

2.718

2.859

2.916

2.966

3.011

2.923

Đàn cụ kị, ông bà có mặt (1.000 con)

109

112

115

117

126

126

Đàn nái bố mẹ có mặt (1.000 con)

2.607

2.747

2.801

2.849

2.885

2.806

Tổng đàn heo thịt xuất chuồng (1.000 con)

-

9.470

10.541

11443

12.348

43.802

Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng (1000 tấn)

-

811

913

1.007

1.099

3.832

Một trong những những giải pháp hiện nay để tháo gỡ nút thắt con giống chính là nhập khẩu. 

Tính đến đầu tháng 5, Việt Nam đã nhập hơn 5.000 con cụ kị, ông bà và đăng ký nhập tiếp 10 nghìn con cụ kị, ông bà; 103,5 nghìn con bố mẹ, theo số liệu của Cục Chăn nuôi.

Ngoài ra, trong điều kiện hiện tại khó khăn về giống thì các cơ sở chăn nuôi đã tăng tỉ lệ chọn heo giống, thay vì trước đây chọn được 5 con/nái sinh sản cụ kị, ông bà vào phối giống thì vừa qua và hiện nay chọn được 6 con heo cái vào phối để thay thế. 

Như vậy, trên cơ sở 109 nghìn con nái cụ kị và ông bà sẽ chọn tăng được 109 nghìn con lơn cái giống vào phối, kết quả đã tăng được trên 18 nghìn con nái cụ kị và ông bà. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết với số lượng trên 18 nghìn con đã bù đắp kịp thời số lượng heo cụ kị và ông bà giảm đàn do dịch tả heo châu Phi (khoảng 11 nghìn con) và đáp ứng cho tăng trưởng 0,5%/tháng (trên 6 nghìn con năm 2020), tổng là 17 nghìn con. 

Như vậy, tổng đàn heo nái cụ kị và ông bà năm 2020 sẽ có khoảng 126 nghìn con.

Theo ông Tuấn, để tăng nguồn cung về heo giống C.P. đã phải tăng tỉ lệ lựa chọn. Theo đó, trước thời điểm dịch tỉ lệ lựa chọn là 70%, nhưng hiện tại con số này là 90%. Chỉ những con giống nào thật kém mới thải loại.

Bên cạnh đó, C.P. cũng luân chuyển những con giống ở khu vực miền Trung ra các vùng có nhu cầu tái đàn cao như ở Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long.

 "Dự kiến cuối năm nay, tổng đàn nái tăng khoảng 8% và cuối năm 2021 tăng 10%", ông Tuấn cho biết thêm. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 80% đàn heo giống cụ kị, ông bà; 35-36% đàn heo giống bố mẹ.


H.Mĩ