|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, khó hay dễ?

17:41 | 20/05/2020
Chia sẻ
Hiện đã bước sang 10 ngày cuối cùng của tháng 5 nhưng giá heo hơi vẫn ở trên mức 90.000 đồng/kg do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí chăn nuôi lớn.

Vì sao giá heo hơi vẫn chưa thể xuống 60.000 đồng/kg?

Trước tình hình giá heo hơi giữ ở mức cao, Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan có giải pháp sớm đưa giá heo hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lí, hài hòa giữa người sản xuất, khâu phân phối và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hiện đã bước sang 10 ngày cuối cùng của tháng 5 nhưng giá heo hơi vẫn ở trên mức 90.000 đồng/kg do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí chăn nuôi lớn.

Thậm chí tại tỉnh Hưng Yên, giá heo hơi lập kỉ lục lên tới 100.000 đồng/kg. Các tỉnh khác trên toàn quốc ghi nhận giá heo hơi dao động trong khoảng 90.000 - 98.000 đồng/kg.

Giảm giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, khó hay dễ? - Ảnh 1.

Diễn biến giá heo hơi từ ngày 26/3 đến ngày 25/4. Tổng hợp: Đức Quỳnh

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến cuối tháng 4, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24,9 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn heo trước khi có dịch bệnh. 

Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố có đàn heo đạt 36% - dưới 50% so với trước khi có đại dịch.

Tuy nhiên, khối 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn của Việt Nam lại đang có tốc độ tái đàn nhanh, đạt 17%. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp này cũng chỉ chiếm 35% đàn heo thương phẩm trên cả nước, còn lại những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết mặc dù giá heo hơi cao nhưng tâm lí người chăn nuôi vẫn còn khá e dè chưa dám tái đàn vì sợ rủi ro dịch bệnh có thể quay trở lại trong khi chi phí chăn nuôi đắt.

“Hiện nay chỉ tính riêng con giống đã 3 triệu đồng/kg. Như vậy, mỗi cân heo hơi, chi phí con giống đã chiếm tới 30.000 đồng. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn cũng đã tăng nhiều so với cuối năm ngoái. Tổng cộng chi phí chăn nuôi ở các hộ nhỏ lẻ khoảng 60.000 đồng/kg.”, ông Thắng nói.

Theo Cục Chăn nuôi vừa qua các doanh nghiệp lớn rất hạn chế bán con giống ra ngoài mà chủ yếu cung cấp cho hệ thống nội bộ hoặc mạng lưới gia công bên ngoài. Do đó, giá heo giống hiện nay rất cao 2,5 đến hơn 3 triệu đồng/con.

Ở phía doanh nghiệp, trao đổi với người viết ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết chi phí chăn nuôi của C.P. hiện đã lên đến 50.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với thời điểm trước dịch. 

Hiện tại C.P. Việt Nam là doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất ở trong nước với thị phần 19,1% thị phần thịt heo trên cả nước, gấp 15 lần Dabaco, gấp 6 lần CJ, theo số liệu của Bộ Công Thương.

Theo ông Thắng nhiều hộ dân vẫn phải để trống chuồng vì cạn vốn. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy một trong những khó khăn của việc tái đàn hiện nay là một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi để duy trì sản xuất. 

Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi để tái đàn, tăng đàn.

Một giải pháp khác được đưa ra nhằm hạ nhiệt giá heo hơi là nhập khẩu thịt. Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, tính từ tháng 1 đến đầu tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu trên 50.000 tấn thịt heo, tương đương 50% chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2020.

Tuy nhiên, nếu so với tổng sản lượng thịt chỉ tính riêng trong quí I/2020 là 811.000 tấn thì con số này vẫn còn quá nhỏ. 

Bên cạnh đó, ông Trọng cũng cho biết do thói quen người tiêu dùng Việt Nam là thích tiêu thụ thịt nóng nên doanh nghiệp cũng khá e dè trong việc nhập khẩu thịt đông lạnh.

Trao đổi với người viết ông Kiều Đình Thép, Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho rằng để góp phần hạ giá heo hơi, Bộ NN&PTNT cần có cơ chế nới lỏng để giúp các doanh nghiệp có thể nhập khẩu heo từ các nước lân cận có giá rẻ hơn như Lào, Campuchia, Philippines...

Tuy nhiên, ông Thắng cảnh báo nếu không kiểm soát tốt, việc làm này sẽ tiềm ẩn rủi ro lây lan dịch tả heo châu Phi trở lại.

Doanh nghiệp đòi sự công bằng khi hạ giá heo hơi

Trước đó, ngày 30/3, Chính phủ cũng đã kêu gọi giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, một số doanh nghiệp lớn cũng đã cam kết giảm xuống mức giá này.

Tuy nhiên, kết quả là giá trên mặt bằng thị trường vẫn chưa thể giảm xuống mức 70.000 đồng/kg do 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo chỉ chiếm thị phần 35%, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá.

Ông Tuấn cho biết nguồn mặc dù đã hạ giá xuống 70.000 đồng/kg nhưng “Ai cũng muốn mua với giá đó nhưng nguồn cung của C.P. không đủ để phục vụ hết mọi người”.

Phó Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam cho biết công ty vẫn đang cố gắng duy trì lượng heo xuất chuồng 15.000 - 17.000 con/ngày.

Ông Thép cho rằng việc giảm giá heo hơi cần có sự vào cuộc đồng bộ của các doanh nghiệp, người dân để tạo ra hiệu ứng trên thị trường.

“Trong giai đoạn này, để hạ giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg, chúng tôi mong muốn sự công bằng trong hệ thống các doanh nghiệp chăn nuôi cùng tham gia”, ông Thép cho biết.

Ông Thép bày tỏ quan ngại nếu các doanh nghiệp khác vẫn bán với giá cao trong khi C.P. hạ giá bán thì đối thủ cạnh tranh sẽ có lợi thế về vốn để mở rộng về chuồng.

“Thời gian qua chúng tôi mất một số chuồng nuôi heo hợp tác bên ngoài và hiện chúng tôi phải nâng giá thuê chuồng bên ngoài để tăng lợi thế cạnh tranh đầu vào nhưng nếu giá đầu ra bị ảnh hưởng chúng tôi cũng rất khó khăn”, ông Thép nói. 

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phản ánh thời gian qua thậm chí có một số doanh nghiệp chăn nuôi heo qui mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất heo thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá thịt heo.

Bao giờ giá heo hơi mới xuống 60.000 đồng/kg?

Ông Thắng nhận định rằng phải đến cuối năm khả năng giá heo hơi mới đưa về mức 60.000 đồng/kg trong bối cảnh thị trường vẫn đang thiếu nguồn cung.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, sản lượng thịt heo quí I ước đạt 811,0 nghìn tấn. Trong khi đó, nhu cầu thịt heo trung bình trong năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi) là khoảng 920 nghìn tấn/quí (chưa tính lượng thịt heo xuất khẩu).

Bộ cũng dự kiến phải đến quí III và quí IV năm nay mới đảm bảo cơ bản nhu cầu heo giống, heo thương phẩm. 

Để khắc phục tình trạng thiếu heo giống, đầu năm 2020 Việt Nam đã nhập khẩu 5.016 con heo cụ kỵ và ông bà và đăng ký kế hoạch nhập khẩu tiếp 10.000 con heo cụ kỵ và ông bà.

Với số lượng heo giống nhập khẩu và số lượng tự sản xuất trong nước sẽ hoàn toàn chủ động được số lượng giống thay thế theo chu kỳ sản xuất, như vậy sẽ đáp ứng được heo giống cho sản xuất từ năm 2021-2024.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.

Đồng thời, hiện nay cũng đã có chính sách về lãi suất tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn.

Đức Quỳnh