Lingo.vn đóng cửa: Nhà đầu tư hết tiền hay chiêu \"ve sầu thoát xác\" của VMG?
Trong thông báo gởi đến Phòng đăng ký kinh doanh TP Hà Nội ngày 16/8, ông Pham Kyle Tuan Anh – CEO Lingo cho biết lý do giải thể công ty là do kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không tìm kiếm được cơ hội đầu tư dẫn đến việc không thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 31/8, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức tâm thư được cho là của các cựu nhân viên Lingo với nội dung "MAJ Invest – Domingo Alonso – Vương Hữu Nghĩa và Lingo.vn – Sự lật mặt của nhà đầu tư". Theo bức tâm thư, quyết định giải thể công ty được ông Domingo Alonso – Chủ tịch HĐQT Lingo thông báo trong vòng 2 tiếng, yêu cầu mọi người nghỉ ngay lập tức và lương tháng 7 sẽ trả trong 2 tuần sau.
Ông Vương Hữu Nghĩa đại diện cho HĐQT Lingo đã thừa nhận trong ngày hôm đó “Việc phải đóng cửa Lingo không phải do lỗi từ phía người lao động, mà do lỗi từ phía Maj Invest đã không tìm được nguồn vốn đầu tư theo dự kiến …”.
Việc nhà đầu tư không tìm được nguồn vốn để tiếp tục duy trì Lingo là do sự chủ quan và yếu kém từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người đặt cũng dấu hỏi về vai trò của người chủ cũ của Lingo.vn là Công ty CP truyền thông VMG – công ty mà ông Domingo Alonso cũng đang là thành viên HĐQT.
Lùi lại thời điểm tháng 12/2015, khi đó theo giấy phép đăng ký kinh doanh thì VMG sở hữu 99,99% cổ phần Công ty CP Thương mại điện tử Lingo với vốn điều lệ 96 tỷ đồng. Sau đó, VMG đã bán 6,6 triệu cổ phần cho quỹ Yellow Star Investment 3 PTE.LTD trụ sở tại Singapore và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 31,25%.
Cũng trong tháng 12/2015, Lingo tăng vốn điều lệ lên gần 120 tỷ đồng nên tỷ lệ sở hữu của VMG giảm xuống còn 25,02%. Với tỷ lệ sở hữu này thì Lingo.vn không còn là công ty con của VMG mà chuyển sang hình thức công ty liên kết, các khoản lỗ của Lingo sẽ không còn hạch toán vào công ty mẹ.
Bước sang năm 2016, Lingo tiếp tục có 2 lần tăng vốn điều lệ và nguồn vốn tăng chủ yếu đến từ Yellow Star Investment 3 PTE.LTD, trong khi VMG giữ nguyên số vốn đầu tư 30 tỷ đồng không thay đổi nên tỷ lệ sở hữu giảm dần.
Đến thời điểm trước khi giải thể, theo giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 9/7/2016, Lingo có vốn điều lệ 151 tỷ đồng với 2 cổ đông chính là VMG giữ 19,765% cổ phần trị giá 30 tỷ đồng và quỹ Yellow Star Investment 3 PTE.LTD giữ 80,235% cổ phần trị giá 121 tỷ đồng.
Theo số liệu từ VMG, trong năm đầu tiên hoạt động 2014, Lingo đạt được 8,2 tỷ đồng doanh thu và lỗ 31,4 tỷ đồng. Bước sang năm 2015, Lingo đạt doanh thu 56,5 tỷ đồng và lỗ 73,3 tỷ đồng.Như vậy chỉ sau 2 năm, Lingo đã lỗ tổng cộng gần 105 tỷ đồng.
Sau khi bán bớt vốn tại Lingo năm 2015, lợi nhuận VMG tăng mạnh, đạt 83 tỷ đồng, tăng gần 40% so với kết quả năm 2014. 6 tháng đầu năm 2016, sau khi Lingo đã gần như không còn gì để lỗ thêm, lợi nhuận VMG đạt 40 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.
Chỉ ít ngày sau khi Lingo đóng cửa, VMG đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Công ty này đã được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã ABC.
VMG hiện có 3 cổ đông lớn là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (28,3%), NTT Docomo Inc (24,52%) và Yellow Star Investment 6 (22,07%). Người đại diện vốn của Yellow Star Investment 6 hay nói đúng hơn là của quỹ mẹ Maj Invest đến từ Đan Mạch cũng chính là ông Domingo Alonso.
Sau khi thoái lui khỏi Lingo, theo bản công bố thông tin niêm yết, mục tiêu của VMG trong thời gian tới là tập trung đầu tư vào hợp tác và khai thác nội dung, tập trung vào nguồn nội dung Video, đầu tư cho digital marketing, vay tiêu dùng và các sản phẩm mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Telco, tạo bước đột phá để đưa công ty trở lại giai đoạn tăng trưởng. Chiến lược trung dài hạn sẽ phát triển các dịch vụ, sản phẩm lớn dựa trên nền tảng mobile...
Theo Duy Khánh
Người Đồng Hành