Start-up và luật chơi với nhà đầu tư
Cẩn trọng với chiến thuật “mua để diệt”
Điều đầu tiên một start-up phải nhớ đó là thẩm định pháp lý về nhà đầu tư.
Yêu cầu thẩm định gồm tài chính, năng lực - uy tín và pháp lý. Trong đó, thẩm định quốc tịch nhà đầu tư, nguồn tiền hợp pháp, lý lịch tư pháp của người đại diện phần vốn góp… vô cùng cần thiết để start-up không phải tiếp... cơ quan thuế sau khi nhà đầu tư ra đi.
Luật sư Nguyễn Văn Lộc
Ví dụ, nhà đầu tư có gốc là Nhật hoặc Mỹ, nhưng công ty trực tiếp đầu tư lại là một công ty ngoài khơi (offshore company) có trụ sở tại quốc gia “thiên đường thuế”. Họ đầu tư vào start-up thông qua một công ty quản lý quỹ tại Việt Nam. Giả định khi họ thoái vốn, các thủ tục pháp lý và trách nhiệm về thuế là vấn đề start-up phải có trách nhiệm. Bài toán quản trị rủi ro nên được đặt ra ngay từ đầu là vậy!
Từ chuyện nhân viên Lingo khiếu nại nhà đầu tư hay gần đây là người sáng lập The KAfe ra đi sau khi nhận vốn đầu tư đã cho thấy, đến lúc các nhà sáng lập start-up cần có đủ kiến thức chuyên môn và quan tâm đến các vấn đề pháp lý khi đàm phán với các nhà đầu tư tại thời điểm tiếp nhận vốn.
Start-up cũng cần biết nhà đầu tư đang đầu tư vào start-up nào hay có quan hệ với start-up nào chưa. Không loại trừ khả năng là start-up đang “độc chiếm” mảng thị trường nào đó, chiến thuật “mua để diệt” hoàn toàn có thể được áp dụng. Tức là nhà đầu tư rót vốn mạnh vào, kiềm start-up lại để doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp được phát triển. Đó là “chiêu thức bẩn”.
Bài học “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”
Nhà đầu tư thường quan tâm ba vấn đề, gồm khả năng phát triển của start-up đúng với cam kết, quyền kiểm soát và thoái vốn.
Không ít trường hợp, nhà đầu tư mới giải ngân chưa được một phần mười, start-up đã cung cấp hết tất cả bí quyết kinh doanh, thậm chí trao quyền điều hành. Chẳng may mục tiêu không đạt theo kỳ vọng của nhà đầu tư, tất cả quyền quyết định sẽ nằm trong tay họ.
Quyền được tiếp cận, được giải trình và minh bạch hóa thông tin như là yêu cầu cơ bản của nhà đầu tư với start-up. Các bên cần thỏa thuận rõ thông tin cần cung cấp, nhân sự cung cấp, thời gian cung cấp… một cách chi tiết để tránh các xung đột khi các bên chưa cụ thể hóa các vấn đề này. Lưu ý rằng, hầu như các khoản đầu tư sẽ đi kèm theo các dịch vụ như tư vấn, phát triển chiến lược hay cung cấp các công cụ hỗ trợ. Giả định vậy, nếu họ biết rõ hết và dừng lại khi mới rót một ít tiền - gọi là “vốn mồi” - thì nguy cơ cho start-up sẽ lớn thế nào.
Quyền của nhà đầu tư đối với start-up nên được thỏa thuận gắn với tiến độ giải ngân và các trách nhiệm khác, trong đó có trách nhiệm của hai bên. Quyền bên này là nghĩa vụ của bên kia, nên luôn cần cân đối các điều khoản này.
Thế của cửa dưới…
Nhà đầu tư luôn lo phải đối mặt với hàng loạt các rủi ro khi đầu tư vào start-up. Nào là việc sáng lập viên không thực hiện đúng cam kết, bỏ dở dự án hoặc thay đổi định hướng, có thể rút ruột dự án bằng cách chuyển giao tài sản sang cho đơn vị khác (chủ yếu là tài sản vô hình)…
Lẽ vậy mà nhà đầu tư đưa ra nhiều điều khoản buộc start-up phải cam kết tại thời điểm tiếp nhận vốn. Họ đưa ra các cam kết về trách nhiệm của các sáng lập viên, về trách nhiệm phát triển kinh doanh đúng với kỳ vọng ban đầu (vì khi huy động vốn đã thể hiện điều đó), về cam kết chống pha loãng trong đầu tư tại vòng đầu tư hợp lệ kế tiếp, về cam kết cho phép họ được quyền chọn nhà đầu tư kế tiếp và/hoặc được ưu tiên thoái vốn trước…
Rất nhiều điều khoản mà có khi bộ hợp đồng dày cả trăm trang với hàng loạt phụ lục được soạn thảo bởi các luật sư giàu kinh nghiệm. Về mặt pháp lý, điều này tùy thuộc vào các bên thỏa thuận. Các bên thỏa thuận càng chi tiết, càng cụ thể thì hạn chế phần nào các xung đột về trách nhiệm sau đó.
… và giới hạn của kẻ có tiền
Đây là vấn đề mà không ít start-up cảm thấy “sợ” khi đàm phán sòng phẳng với nhà đầu tư. Thường là khi nhà đầu tư đưa ra quyền lợi lớn nhất mà start-up có được - đó là tiền - thì các điều khoản khác họ có thể có ưu thế mặc nhiên. Đây chính là mắc xích cần gỡ.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tiền sẽ được giải ngân với tiến độ ra sao? Các hỗ trợ khác như tư vấn, thị trường… được cụ thể hóa thế nào? Khả năng can thiệp vào hoạt động điều hành start-up sau khi nhận đầu tư?… Các câu hỏi đó cần thể hiện cụ thể bằng điều khoản, bao gồm cả trách nhiệm nếu không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đủ.
Bởi lẽ, trách nhiệm của start-up còn gắn liền trách nhiệm với cơ quan chức năng (chấp thuận kinh doanh, thuế…), với đối tác, khách hàng (hợp đồng, nợ…), với các cổ đông, nhà đầu tư khác hay với người lao động. Nếu không chia sẻ rủi ro pháp lý này với nhà đầu tư, các start-up cần cân đối quyền lợi và trách nhiệm của mình, tránh phải gánh chịu rủi ro một mình khi có sự cố chẳng may xảy ra.
Dự liệu đường lùi
Tại cuốn sách “Pháp lý trong kinh doanh - Nắm luật chơi để chiến thắng trên thương trường tại Việt Nam”, tác giả bài viết này xác định start-up là “khởi nghiệp đột phá - sáng tạo” và đầu tư vào start-up là đầu tư mạo hiểm, nên các dự liệu là cần thiết.
Các rủi ro có thể đến từ khách quan hoặc chủ quan. Rủi ro có thể từ chính sách (ví dụ ngành nghề của start-up chưa được phép kinh doanh) và cũng có thể là rủi ro do xung đột trong quản trị điều hành. Các điều khoản hợp đồng về thứ tự ưu tiên giải quyết khi có tranh chấp nên được cụ thể hóa bằng văn bản. Đừng để dẫn đến tranh chấp phải đưa nhau ra tòa, rủi ro không chỉ là mất cơ hội kinh doanh mà uy tín trong kinh doanh sau này có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Bất kể là ở “cửa dưới” ở mức độ nào, start-up khi nhận vốn cũng nên tính các “đường lùi” và các tình huống xấu nhất, ví dụ việc nếu nhà đầu tư thoái vốn thì khả năng xung đột trong điều hành với nhà đầu tư mới là có hay không. Hay chuyện bị thâu tóm để tiêu diệt với mức giá hời. Tất cả đều có thể xảy ra. Cơ hội luôn song hành rủi ro là vậy!.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/