|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu tranh cãi giữa Boeing và Airbus về vấn đề trợ cấp đã đến hồi kết?

17:20 | 17/10/2020
Chia sẻ
Cuộc chiến kéo dài 16 năm Boeing và Airbus về các khoản trợ cấp bất hợp pháp giống như một "trận đấu quyền anh hạng nặng", trong đó cả hai bên đều "giơ găng" khẳng định chiến thắng.
Liệu tranh cãi giữa Boeing và Airbus về vấn đề trợ cấp đã đến hồi kết? - Ảnh 1.

Máy bay Airbus A330neo. (Ảnh: FlightGlobal).

Theo tạp chí Economist của Anh, cuộc chiến kéo dài 16 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữa Boeing, một nhà sản xuất máy bay của Mỹ, và Airbus, nhà sản xuất máy bay của châu Âu, về các khoản trợ cấp bất hợp pháp giống như một "trận đấu quyền anh hạng nặng", trong đó cả hai bên đều "giơ găng" khẳng định chiến thắng.

Ngày 13/10, WTO ra phán quyết rằng Liên minh châu Âu (EU) hàng năm có thể áp thuế đối với hàng hóa trị giá 4 tỉ USD của Mỹ. 

Quyết định này tuy không khắt khe bằng quyết định năm ngoái rằng Washington được phép áp thuế đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa của châu Âu, nhưng sẽ mang lại những tác động lớn hơn nhiều so với mức mà người Mỹ từng chuẩn bị. Quan trọng hơn, cả hai "gã khổng lồ" hàng không đều cho rằng mình đang bị ngược đãi.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/10 cho biết, Washington sẽ tăng cường đàm phán với EU nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan đến chính sách trợ giá sản xuất máy bay.

Ông Lighthizer khẳng định Mỹ quyết tâm tìm kiếm giải pháp tranh chấp và cho biết, Mỹ hiện chờ phản hồi từ EU đối với một đề nghị gần đây của Mỹ và sẽ thúc đẩy đàm phán đang diễn ra với Brussels để khôi phục cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực sản xuất máy bay.

Tuy nhiên, cũng theo Đại diện Thương mại Mỹ, phán quyết của WTO mở đường cho EU áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 4 tỉ USD của Mỹ là "không có cơ sở hợp lệ".

Trong khi đó, sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.

Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis khẳng định EU sẽ ngay lập tức nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ưu tiên mạnh mẽ của EU là giải quyết bằng thương lượng.

Ông Dombrovskis nói thêm rằng EU sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và phản ứng theo cách tương xứng. Sau khi được WTO cho phép, EU có thể áp đặt thuế trả đũa Washington từ ngày 27/10, một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Cuộc đối đầu tại WTO bắt đầu vào năm 2004. Sau lần đầu tiên bị Airbus vượt về doanh số bán máy bay, Boeing phàn nàn rằng đối thủ của họ đã được trợ giúp bởi sự hỗ trợ của chính phủ lên tới 22 tỉ USD. 

Airbus nhanh chóng phản đối với tuyên bố rằng Boeing đã được hưởng lợi từ các khoản cắt giảm thuế ưu đãi trị giá 24 tỉ USD, cũng như sự hỗ trợ nghiên cứu và phát triển từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc.

WTO cuối cùng xác định rằng cả hai công ty đều đã nhận được các khoản trợ cấp bất hợp pháp. Mỹ đã sử dụng chiến thắng của năm ngoái để áp thuế đối với mọi thứ, từ rượu whisky của Scotland đến pho mát của Pháp. 

Hiện Airbus phải chịu mức thuế 15%. Nhưng giờ đây theo phán quyết mới nhất, EU sẽ được phép áp đặt các thuế quan mới từ sau ngày 27/10.

Tranh chấp Airbus-Boeing là một trong những mặt trận của cuộc chiến thương mại giữa EU và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đe dọa các nhà sản xuất ô tô và các chính phủ EU về các biện pháp trừng phạt với các mức thuế mới để đáp trả sắc thuế về kĩ thuật số do EU đề xuất.

Các mức thuế mới đối với ngành hàng không được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sâu sắc mà ngành này đang phải đối mặt do những gián đoạn vì đại dịch COVID-19. 

Ngoài ra, Boeing vẫn đang phục hồi sau ảnh hưởng của hai vụ tai nạn thảm khốc của dòng máy bay 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng.

Có ý kiến cho rằng phán quyết mới nhất này sẽ không thể khiến các cuộc cãi vã kết thúc. Boeing nói rằng việc cắt giảm thuế gây tranh cãi ở bang Washington đã bị bãi bỏ. Do đó, các chính sách thuế quan mà EU có thể đưa ra là không hợp .

Trong khi đó, Airbus cho biết, hãng hiện đang tuân thủ đầy đủ các qui định và phàn nàn rằng Ban Hội thẩm của WTO quyết định những vấn đề như vậy là lấp lửng. Việc Mỹ lâu nay khẳng định cơ quan này của WTO đối xử không công bằng đã dẫn đến việc nước này phủ quyết các bổ nhiệm mới khiến Ban Hội thẩm của WTO bị khuyết ghế.

Liệu tranh cãi giữa Boeing và Airbus về vấn đề trợ cấp đã đến hồi kết? - Ảnh 2.

Máy bay Boeing 737 MAX. (Ảnh: The WhitePost).

Trên thực tế, cuộc đối đầu giữa hai "gã khổng lồ" hàng không thế giới có thể kết thúc trong một cuộc dàn xếp thương lượng. Tuy nhiên, Mỹ đã miễn cưỡng hơn đối với đàm phán và nước này có thể xem xét lại do qui mô của các đòn trả đũa mà EU được phép thực hiện và vị thế bấp bênh của Boeing.

Đó là bởi vì "gã khổng lồ" hàng không vũ trụ của Mỹ có nhiều cái để lo ngại hơn trước tác động tàn phá của đại dịch đối với việc di chuyển bằng đường hàng không của thế giới. 

Ngoài ra, việc các máy bay 737 MAX, "chú bò đẻ ra tiền" của Boeing, tiếp tục phải nằm đất sau hai vụ tai nạn chết người có nghĩa là các hãng vận tải khó khăn có thể hủy đơn đặt hàng mà không bị phạt.

Trong khi đó, Airbus cũng không "bình an vô sự". Tháng trước, tập đoàn này cho biết có thể sẽ cắt giảm thêm nhiều việc làm ngoài con số 15.000 đã được công bố hồi tháng 6, trong số 130.000 lao động trên toàn cầu. Airbus đã cắt giảm 40% công suất. Giống như Boeing, trong năm nay, Airbus đã mất khoảng một nửa giá trị thị trường.

Dù vậy, "gã khổng lồ" châu Âu này đang có tâm trạng phấn khích hơn. Người ta cho rằng Airbus đang có kế hoạch tăng cường sản xuất máy bay một lối đi A320 vào đầu năm tới, có lẽ với hy vọng sẽ giành được khách hàng của 737 MAX.

Airbus cũng có nhiều loại máy bay hơn và hãng này có một nhà máy ở Alabama cho phép họ "né" được thuế đối với máy bay bán cho khách hàng Mỹ, trong khi đó Boeing lắp ráp tất cả máy bay của mình tại Mỹ. Airbus vừa tiết lộ kế hoạch đưa một máy bay chạy bằng hydro với khí thải thực bằng 0 lên bầu trời vào năm 2035.

Trong khi đó, trong một tuyên bố, Boeing kêu gọi, thay vì leo thang tranh chấp với những đe dọa doanh nghiệp Mỹ và khách hàng châu Âu, Airbus và EU nên tập trung sức lực vào những nỗ lực thiện chí để giải quyết tranh chấp kéo dài này.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng Boeing, vốn đang bị đè nặng bởi sự cố MAX, tốt hơn là gạt cuộc chiến ngày hôm qua sang một bên và chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo.

Đình Thư