Liệu Nhật Bản có sử dụng biện pháp can thiệp tiền tệ?
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda, được coi là người ủng hộ đồng nội tệ ở mức thấp, cũng thừa nhận rằng sự sụt giảm mạnh của đồng yen có thể gây tổn hại cho nền kinh tế do gây khó khăn cho các công ty trong việc lập kế hoạch kinh doanh.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki tuyên bố sẽ "trao đổi chi tiết" với Mỹ về vấn đề tiền tệ khi ông bắt đầu chuyến công du tới Washington trong tuần này. Ông Suzuki dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính từ Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Nhật Bản có một số lựa chọn để ngăn chặn sự sụt giảm quá mức của đồng yen, trong số đó là can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ và mua vào số lượng lớn đồng yen. Nhật Bản từ trước đến nay tập trung vào việc ngăn chặn sự tăng giá mạnh của đồng yen do nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Việc can thiệp mua đồng yen rất hiếm khi xảy ra. Lần cuối cùng Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ là vào năm 1998, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra tình trạng bán tháo đồng yen và dòng vốn nhanh chóng chảy ra khỏi khu vực này.
Trước đó, Tokyo đã can thiệp để ngăn chặn đồng yen mất giá vào năm 1991-1992.
Việc can thiệp vào tiền tệ là tốn kém và có thể dễ dàng thất bại do khó ảnh hưởng đến giá trị của nó trên thị trường ngoại hối toàn cầu khổng lồ. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến động thái đó được coi là động thái cuối cùng, mà Tokyo sẽ sử dụng khi sự can thiệp bằng lời nói không ngăn chặn được đồng yen rơi tự do. Tốc độ sụt giảm của đồng yen sẽ rất quan trọng đối với các nhà chức trách để đưa ra quyết định khi nào nên can thiệp.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu quan chức ngoại giao tiền tệ hàng đầu Eisuke Sakakibara cho hay việc đồng yen giảm xuống dưới 130 yen đổi 1 USD có thể kích hoạt sự can thiệp này.
Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách cho hay biện pháp can thiệp sẽ chỉ trở thành một lựa chọn nếu Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng đồng yen, cổ phiếu trong nước và trái phiếu đồng loạt bị bán ra.
Nếu muốn tiến hành can thiệp để ngăn chặn đà sụt giảm của đồng yen, các nhà chức trách phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để mua đồng USD trên thị trường, sau đó đổi lấy đồng yen. Tuy nhiên, việc can thiệp mua vào đồng yen khó hơn việc bán đồng yen.
Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản ở mức 1,356 triệu tỷ USD, lớn thứ hai sau Trung Quốc và có khả năng chủ yếu là đồng USD. Mặc dù nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, nhưng quy mô có thể nhanh chóng giảm đi nếu cần một khoản tiền khổng lồ để tác động đến tỷ giá mỗi khi Tokyo can thiệp.
Việc can thiệp vào tiền tệ cũng sẽ cần có sự đồng ý không chính thức của các đối tác G7 của Nhật Bản, đặc biệt là Mỹ nếu Tokyo được tiến hành đối với tỷ giá đồng USD/yen. Đây là một điều không dễ dàng bởi Washington thường phản đối ý tưởng can thiệp tiền tệ, ngoại trừ trường hợp thị trường biến động mạnh.