Liệu giá vàng có điều chỉnh giảm trong ngắn hạn?
Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 330 nghìn đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng trong nước đã ghi nhận việc tuột khỏi mốc 57 triệu đồng/lượng, sau nhiều ngày giữ giao dịch bán ra trên mốc này từ ngày 31/5. Cùng đó, giá vàng thế giới cũng khép lại một tuần với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong tuần, cùng chung xu hướng giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng 18/6 giảm tới 400 nghìn đồng/lượng, xuống dưới mốc 57 triệu đồng/lượng.
Trước đó, từ sáng đầu tuần 14-17/6, giá vàng trong nước niêm yết tại các doanh nghiệp biến động trái chiều, nhưng đều giao dịch trên mốc 57 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt phiên 18/6 giảm, khi đồng USD mạnh lên sau thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến.
Theo số liệu của FactSet, trong cả tuần, giá vàng giảm 5,9%, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 13/3/2020.
Về phía phụ trách nghiên cứu Insignia Consultants, Giám đốc Chintan Karnani cho biết, thông báo của Fed sau cuộc họp đã khiến giá vàng giảm xuống dưới mức trung bình trong 100 ngày và 200 ngày.
Theo Giám đốc Chintan Karnani, vào cuối mỗi quý, giá vàng thường có xu hướng tăng hoặc giảm mạnh. Theo đó, trong hai tuần cuối tháng 3 vừa qua, giá kim loại này lao dốc, sau đó đã phục hồi. Vậy nên, ông nhận định giá vàng sẽ thiết lập mức đáy trung hạn vào cuối tháng này nếu tiếp tục giảm cho đến khi đó.
Về giá vàng giao tháng 8 giảm 5,8 USD xuống 1.769 USD/ounce, tương đương 0,3% trong phiên cuối tuần tại sàn Comex.
Theo nhà phân tích thị trường Edward Moya tại Oanda, sau khi đi lên, giá kim loại quý này quay trở lại các mức thấp, do Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard nhận định ngân hàng này sẽ nâng lãi suất trong năm 2022.
Giá vàng và các hàng hóa khác giảm mạnh trong phiên 17/6, khi các nhà giao dịch phản ứng với kết quả cuộc họp trong hai ngày 15-16/6 của Fed. Tại cuộc họp trên, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo lãi suất sẽ tăng vào cuối năm 2023 và thảo luận về việc giảm tốc độ chương trình mua trái phiếu.
Đồng USD tăng giá trong hai phiên 16 - 17/6 sau cuộc họp của Fed cũng là một nguyên nhân khiến các hàng hóa bị bán ra.
Kết thúc phiên 17/6, tại sàn giao dịch Comex, giá vàng giao ngay giảm 2%, xuống 1.776,10 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/5 là 1.766,29 USD/ounce vào đầu phiên. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 4,7%, xuống 1.774,80 USD/ounce.
Trong phiên 16/6, giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.839,06 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống 1.833,65 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 14/5. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ chỉ biến động nhẹ và đóng cửa ở mức 1.861,40 USD/ounce.
Phiên 15/6, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống còn 1.855,99 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,5% và khép phiên ở mức 1.856,40 USD/ounce.
Mở phiên đầu tuần 14/6, giá vàng giao tháng Tám giảm 13,7 USD, hay 0,73%, chốt phiên ở mức 1.865,9 USD/ounce.