LienVietPostBank dự kiến xin hỗ trợ tái cơ cấu một quĩ tín dụng để được nới room tín dụng cuối năm
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) |
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) cho biết ngân hàng dự kiến sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng hạn mức tín dụng trong quí IV bằng việc hỗ trợ tái cơ cấu một quĩ tín dụng nhân dân cỡ nhỏ có tổng tài sản thấp hơn 100 tỉ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng của LienVietPostBank đã tăng 14,5% so với đầu năm với 115.190 tỉ đồng, tăng trưởng cho vay trong quí III có chiều hướng chậm lại.
Về cơ cấu cho vay, cho vay ngắn hạn tăng mạnh hơn 33% so với đầu năm trong khi cho vay trung dài hạn chỉ tăng khiêm tốn 7,7%, đóng góp 69,2% vào tổng dư nợ. LienVietPostBank có tỷ trọng cho vay trung và dài hạn khá cao so với bình quân các ngân hàng khác (dao động từ 40% đến 60%).
Tại thời điểm 30/9, tiền gửi của khách hàng đã giảm 0,6% so với đầu năm do nỗ lực tăng trưởng tiền gửi trong quí III bị xoá bỏ với hơn 18 nghìn tỉ đồng bị rút ra (6 tháng đầu năm tiền gửi tăng 14%). Theo nhận định của HSC, đây có lẽ là giải pháp tạm thời tốt nhất cho LienVietPostBank trong việc tối đa nguồn thu nhập lãi thuần trong khi ngân hàng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng trong hiện tại.
Hệ số dư nợ trên vốn huy động (LDR) của ngân hàng tăng lên mức cao kỷ lục là 90,53%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhờ đó mà LienVietPostBank có thể đẩy mạnh nguồn thu nhập lãi thuần trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hệ số LDR cao không phải điểm tích cực về dài hạn bởi vì ngân hàng có thể phải đối mặt với rủi ro thanh khoản cao hơn vào cuối năm, đặc biệt là khi lãi suất đang tăng dần.
Lỗ ở khoản mục thu nhập khác
LienVietPostBank thường báo cáo tổng thu nhập ngoài lãi từ mức lỗ nhẹ tới mức lỗ khá lớn, chủ yếu do ghi nhận lỗ ở khoản mục thu nhập khác. Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập ngoài lãi âm 113,90 tỉ đồng (giảm 27,3% so với cùng kỳ).
Điều này được lãnh đạo Ngân hàng giải thích một phần là do chi phí hoa hồng cho nhân viên bưu cục trong quá trình huy động tiền gửi (trước khi chi phí này được ghi nhận lại một cách hợp lý hơn như là khoản chi phí huy động), với phần còn lại là chi phí hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, HSC cũng cho biết không có thông tin cụ thể cho loại chi phí này.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của LienVietPostBank (Nguồn: BCTC LienVietPostBank) |
Chi phí hoạt động tăng do quyết tâm mở rộng hệ thống
Chi phí hoạt động tăng 14,6% so với cùng kỳ đạt 2.107 tỉ đồng do ngân hàng quyết liệt mở rộng hệ thống chi nhánh trong năm 2017. Chi phí liên quan đến nhân viên tăng gần 20% so với cùng kỳ lên 1.116,68 tỉ đồng. Đồng thời số lượng nhân viên tăng 31,1% so với cùng kỳ lên 8.127 nhân viên. Tuy nhiên, lương bình quân/nhân viên/tháng giảm 14,1% so với cùng kỳ xuống 15,4 triệu đồng.
Ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục mở thêm các chi nhánh mới lên tổng cộng 800 chi nhánh vào cuối năm 2020. Hiện tại, LienVietPostBank có 369 chi nhánh trên cả nước.
Theo chiến lược này, ngân hàng sẽ phải mở thêm bình quân 200 chi nhánh mới mỗi năm. Mỗi chi nhánh mới cần một đến hai năm để hòa vốn. Hơn nữa, LienVietPostBank cũng sẽ nâng cấp nhiều bưu cục thành phòng giao dịch ngân hàng với đầy đủ các dịch vụ. Do đó, trong ngắn đến trung hạn, chi phí hoạt động của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng tín dụng sẽ chịu sự kiểm soát của NHNN.
HSC cho rằng LienVietPostBank cần có giải pháp để xử lý tình trạng này sớm để tránh thu nhập lãi bị sụt giảm.
Cho năm 2018, HSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước thuế trong lần đánh giá gần nhất là 1.216 tỷ đồng (giảm 31,2% so với năm 2017). Tuy nhiên HSC cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng huy động khách hàng từ 17% xuống chỉ còn 5%; từ đó giúp nâng cao thu nhập lãi thuần.