|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liên tưởng bong bóng hoa tulip, cơn sốt lan đột biến tại Việt Nam và chứng khoán

20:41 | 16/03/2021
Chia sẻ
Cơn sốt lan đột biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến “bong bóng hoa tulip” xảy ra tại Hà Lan – quốc gia có thị trường chứng khoán lâu đời nhất thế giới.

Chứng khoán có biểu tượng là hoa gì?

Nếu bạn chưa biết thì đó chính là hoa Tulip (uất kim cương), loài quốc hoa của Hà Lan, cũng là một trong những nước có TTCK lâu đời nhất thế giới. Nếu làm nghề tài chính mà chưa biết đến bong bóng uất kim cương là một giai đoạn trong Thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, thì thật là thiếu sót. Có điều gì đó khiến người đọc có thể liên tưởng tới cơn sốt hoa lan hiện tại tại Việt Nam.

"Những ảo tưởng phổ biến và sự điên rồ của đám đông" là cuốn sách kinh điển mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần đọc của Charles Mackay viết năm 1841, đã mô tả không thể nào chi tiết hơn cơn cuồng loạn hoa Tulip năm 1633 - 1637.

Sau này cơn cuồng loạn hoa tulip được dựng thành phim có tên là "Tulip Fever" (2017) phim này có cảnh nhạy cảm 18+. Khán giả xem phim hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên, tại sao người ta có thể bán cả gia tài chỉ để đổi lấy mấy mầm cây hoa mong manh như vậy.

Liệu cơn sốt hoa lan đột biến có tương tự cơn sốt hoa tulip gần 400 năm trước không, liệu kết cục của hai thú chơi có giống nhau không.

Giới nhà giàu tại Hà Lan bắt đầu nhập từ Ottoman những mầm tulip đầu tiên từ những năm 1559. Những bông hoa này nhanh chóng được giới quý tộc Hà Lan và Châu Âu ưa thích.

Còn tại Việt Nam, người Việt đã có câu "vua thưởng lan, quan thưởng trà". Giới chơi lan xưa kia là các bậc vua quan, nho gia và họ luôn quan niệm về loài phong lan này tượng trưng cho người quân tử "quân tử chi lan".

Từ thú chơi đến kênh đầu tư

Giới quý tộc Châu Âu cũng không thể ngờ hơn 80 năm sau, loài hoa chỉ có tác dụng để ngắm này tạo thành cơn sốt khuynh đảo cả châu Âu thời đó, khiến hoạt động kinh tế đình trệ.

Hiệu ứng đám đông diễn ra, ngay cả những người đầu tiên mang tulip về cũng không thể dừng lòng tham. Không chỉ giới quý tộc, thương nhân, mà cả thợ thủ công, người nông dân, thợ làm bánh… đều đổ xô đi mua củ Tulip.

Không chỉ trông (đầu tư) mà là giao dịch sáng mua, chiều bán, là đã kiếm được không biết bao nhiêu tiền. Những cành hoa tuilip hiếm có (đột biến), được bán với giá lên tới 5500 florins, tương ứng với 540.000 USD (ngày nay).

Câu chuyện cười ra nước mắt về cơn sốt khi ấy là có người thuyền trưởng tưởng củ hoa tulip là củ hành tây, và dùng nó cho bữa trưa. Khi ông phát hiện ra thì không thể bồi thường được cho người chủ hàng và bị tống giam do "củ hành" đó còn có giá trị hơn tất cả hàng hóa trên thuyền của ông.

Quay lại hiện tại, thời gian gần đây, giới chơi cây cảnh Việt Nam liên tục sững sờ với hàng hoạt vụ mua bán lan công bố với giá trị rất lớn. Từ lâu hoa lan với vẻ đẹp mong manh đã là thú chơi của nhiều người yêu cây cảnh, nhưng không có mức giá giật mình.

Cơn sốt lan cũng không phải chỉ mới bắt đầu từ năm 2020, mà những năm trước đây 2016-2018 đã có thời kỳ giới chơi cây săn lùng những lan đột biến, hiếm có. Phần nào cũng giống giới quý tộc và thương nhân Hà Lan thế kỷ 17 săn lùng các loài hoa lulip độc đáo.

Năm 2020, khi đại dịch nổ ra, thị trường bỗng xuất hiện nhiều giao dịch "khủng" với quy mô hàng tỷ đồng. Không chỉ lan đột biến, mà cả các kie "con" (là các mầm non được phát triển từ những mắt ngủ trên cây mẹ) cũng được giao dịch với giá không tưởng.

Nhà nhà trồng hoa

Một bộ phận những người chơi cây cảnh và cả người ngoại đạo khi thấy giá tăng, cũng tham gia vào thị trường. Họ mua các kie "con" về để trồng và chăm sóc, với kỳ vọng khi ra hoa sẽ là loại đột biến, hiếm có, và có thể bán được giá cao để thu hồi vốn mua cây mẹ và chốt lời.

Xét từ góc nhìn kinh tế học, hoa không phải là nguồn lực hạn chế, vì dù hiếm đến đâu, cũng sẽ có lúc có đơn vị có thể nhân giống, và tăng lượng cung trên thị trường, từ đó sẽ không còn khan hiếm nữa.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có hành động, và có thể cũng được đối cháy lên bởi "hiệu ứng đám đông" và sự sợ hãi sẽ bỏ lỡ cơ hội làm giàu (Fear of Missing Out). Đặc biệt khi các ngành kinh doanh khác đang gặp khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Khi giá đang lên, dù đó là hoa tulip, chứng khoán hay Hoa Lan thì ai cũng say men chiến thắng. Những người đầu tiên bán ra khi nhận ra rằng, tulip dù rất đẹp cũng không thể tồn tại mãi, cây hoa cũng không thể nuôi sống gia đình bằng vẻ đẹp mong manh chỉ để ngắm. Chỉ số Tulip index tăng từ 1 lên hơn 200 điểm trong vòng chưa tới 3 năm, đã tạo nên rất nhiều người giàu ảo, khi nghĩ rằng tài sản của mình, tính bằng những củ hoa đang có giá cao hàng trăm lần sau 3 năm.

Hàng trăm nghìn người Hà Lan chợt nhận ra họ trắng tay, khi đổi hết tiền bạc để lấy những củ hoa, cây hoa. Người người đua nhau cắt lỗ, bán tống bán tháo, bất cứ giá nào, nhưng người mua bỏ cọc, hủy giao kèo và dần biến mất.

Nhà đầu tư hội họp và yêu cầu Sở giao dịch Amsterdam (một trong các sở giao dịch chứng khoán lâu đời nhất thế giới) và chính quyền can thiệp. Nhưng chẳng có tòa án nào đứng ra phân xử khi các thẩm phán nghĩ rằng người mua và người bán đều chủ động tham gia vào canh bạc này.

Bài học lịch sử

Nhìn cánh đồng hoa nổi tiếng Keukenhof, với 4,5 triệu bông từ hơn hơn 1.600 loại khác nhau, ai có thể nghĩ với thời giá của 1 củ tulip 5500 florins năm 1636; cả cánh đồng Keukenhof có giá trị như GDP của Pháp hiện tại.

Còn với giá lan "khủng" như các bài báo gần đây là thật, thì có lẽ GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh lắm. Như châm ngôn của triết gia George Santayana "Những kẻ mà không thể nhớ được lịch sử, thì sẽ buộc phải lặp lại nó." Vậy chúng ta có thể học được gì từ cơn sốt Hoa Tulip gần 400 năm trước. 

 Nhà đầu tư hay nhà sưu tập, đều có đặc điểm giống nhau là đều đi tìm sự quý hiếm và đi kèm với đó là giá trị. Bài học về cơn sốt tài sản chưa bao giờ là lạc hậu, khi giá mua bán vượt quá xa giá trị. Về phần mình nhà đầu tư hay nhà sưu tập bất cứ loại tài sản nào, cũng cần trang bị cho mình kiến thức đúng đắn. 

Nhà đầu tư cũng cần luôn tự đặt câu hỏi liệu tài sản đó thực sự đáng giá bao nhiêu, có đem lại lợi nhuận hay chỉ là sự đầu cơ của đám đông. Vì cuối cùng dù có bong bóng có lớn đến đâu, cũng sẽ có lúc vỡ để giá cuối cùng cũng sẽ quay lại về với giá trị.

(*) Bài viết được trích dẫn từ trang cá nhân của ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

Long Trần - Trưởng phòng phân tích BSC

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện mức tăng lợi nhuận trên 70%, thêm ngân hàng lãi tỷ đô
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.