Liên tục nâng tỷ giá USD trung tâm, NHNN đang có dự định gì?
Ảnh minh họa |
Tỷ giá USD trung tâm liên tục tăng trong một tháng qua
Ngày (11/12), tỷ giá USD trung tâm đạt 22.775 VND/USD, chạm mức đỉnh cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm được công bố vào ngày 31/12/2015.
So với giữa tháng 10, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 52 đồng, gấp gần hai lần so tổng mức tăng của cả tháng 7 và tháng 8 là 28 đồng (thời gian tỷ giá USD trong nước liên tục tăng nóng) và bằng 1/7 mức tăng từ đầu năm đến nay (360 đồng).
Không dừng ở đó, trong gần 1 tháng qua (cụ thể từ ngày 16/11) tỷ giá trung tâm liên tục tăng và chưa có phiên giảm nào đến nay.
Diễn biến tỷ giá USD trung tâm kể từ ngày 1/11 - 10/12 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Cùng xu hướng với tỷ giá trung tâm, tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN cũng liên tục tăng. Trong ngày 11/12, Sở giao dịch NHNN niêm yết giá USD mua - bán ở 22.700 - 23.408 VND/USD; giá mua giữ nguyên trong khi giá bán tăng 53 đồng so với cùng kì tháng trước.
Đáng chú ý, động thái tăng tỷ giá của NHNN diễn ra trong bối cảnh sức ép tăng giá USD từ thị trường quốc tế và trong nước đều suy yếu thời gian gần đây.
Cụ thể, trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính giảm 0,93% trong vòng một tháng từ mức đỉnh được tạo lập vào ngày 12/11.
Đồng bạc xanh có dấu sụt giảm trên diện rộng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12, sau khi nhiều tín hiệu cho thấy lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại và triển vọng tăng trưởng nền kinh tế Mỹ không như kì vọng.
Cùng với đó là sự hạ nhiệt của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khiến nhà đầu tư giảm nhu cầu nắm giữ đồng USD như một phương tiện trú ẩn an toàn.
Diễn biến chỉ số US Dollar Index trong 1 tháng trở lại đây (Nguồn: Bloomberg) |
Tại thị trường trong nước, đóng cửa ngày 10/12, tỷ giá USD chợ đen mua - bán lần lượt ở 23.340 – 23.365 VND/USD, giá mua và bán cùng giảm khoảng 100 đồng so với cùng kì tháng trước.
Trên thị trường ngân hàng một tháng qua tính đến 11/12, giá mua bán USD của Ngân hàng Vietcombank cùng giảm khoảng 15 VND/USD. Ngoài ra, tình trạng giá bán của các ngân hàng kịch trần không còn xuất hiện.
Và thực tế những ngày gần đây, việc NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm đã khiến chênh lệch giá bán USD của các ngân hàng và mức trần qui định của NHNN liên tục gia tăng.
Tính đến ngày 11/12, tỷ giá bán USD của Vietcombank thấp hơn mức trần qui định 108 đồng.
Diễn biến tỷ giá bán USD tại Vietcombank trong tháng 11 (Nguồn: QT tổng hợp) |
Việc điều tiết tỷ giá trung tâm của NHNN có xu hướng trái chiều so với thực tế thị trường đang phản ánh điều gì?
NHNN đang chuẩn bị cho những đợt sóng cuối năm
Thông thường cuối năm là thời điểm tỷ giá căng thẳng khi các doanh nghiệp cần huy động USD để trả nợ và nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị cho dịp tết. Cùng với đó, tháng 12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp và để ngỏ nhiều khả năng nâng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay.
Do đó, cũng dễ hiểu việc NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm như một bước chuẩn bị trước cho những diễn biến khó lường của thị trường ngoại tệ thời gian tới.
Nói cách khác, với mức chênh lệch giữa tỷ giá bán của các ngân hàng và tỷ giá trần vào khoảng 100 đồng như hiện nay, dư địa để các ngân hàng tăng tỷ giá USD vẫn còn rất nhiều và đủ khả năng để bao quát những biến động của thị trường tiền tệ trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, mục tiêu “đón đầu” biến động của NHNN cũng được thể hiện rõ thông qua động thái bán ngoại tệ kỳ hạn (forward) cho các tổ chức tín dụng trong hai ngày 23/11 và 26/11. Đây là lần đầu tiên trong năm nay NHNN thực hiện nghiệp vụ bán kỳ hạn ngoại tệ.
Đặc biệt, ngày đến hạn (ngày các nhà băng nhận về USD) của đợt mua này là ngày 31/1/2019, tức trước Tết Nguyên đán hai tuần. Việc bán kì hạn ngoại tệ như một cam kết "bảo hiểm" nguồn cung cho thị trường khi có biểu hiện căng thẳng.
Động thái nâng tỷ giá trung tâm đi cùng với bán kì hạn ngoại tệ cho thấy NHNN đang chủ động đón đầu những biến động của thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.
“Lỏng tay” với tỷ giá để giảm áp lực lên lãi suất VND?
Không thể phủ nhận sự ổn định tỷ giá USD trong nước trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố lãi suất.
Việc duy trì chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD trên 2% đã khiến tiền đồng luôn giữ được sức hấp dẫn tương đối so với USD, từ đó kìm hãm đà mất giá của đồng nội tệ.
Chênh lệch lãi suất liên ngân hàng VND - USD trong tuần 26/11 - 30/11 (Nguồn: NHNN) |
Tuy nhiên, việc lãi suất liên ngân hàng của VND luôn duy trì ở mức cao cũng khiến các mức lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng tăng theo, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hoạt động của các doanh nghiệp.
Nói cách khác, việc thực hiện đánh đổi giữa tỷ giá và lãi suất cũng không hề “dễ chịu” đối với nhà điều hành.
Chính vì vậy, khi tỷ giá trung tâm tăng đồng nghĩa với việc tỷ giá USD trong nước có nhiều dư địa hơn để tăng thêm, áp lực tăng lãi suất để áp chế tỷ giá vì thế cũng được giảm bớt.