|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lịch sử liệu có lặp lại, VN-Index sẽ tăng tốc để bắt kịp thị trường thế giới?

10:30 | 07/02/2022
Chia sẻ
Theo số liệu 10 năm gần đây, VN-Index ghi nhận 8/10 lần tăng điểm trong tuần đầu tiên sau Tết, trong đó cả 2 tuần đầu giao dịch của năm 2013 và 2020 giảm điểm đều được báo trước bằng phiên giảm điểm đầu tiên sau Tết.

VN-Index tăng 8/10 năm trong tuần đầu tiên sau Tết

Lịch sử cho thấy VN-Index có nhiều khả năng tăng hơn là giảm điểm tuần đầu tiên sau Tết. Cụ thể, theo số liệu 10 năm gần đây, VN-Index ghi nhận 8/10 lần tăng điểm trong tuần đầu tiên sau Tết, trong đó cả 2 tuần đầu giao dịch của năm 2013 và 2020 giảm điểm đều được báo trước bằng phiên giảm điểm đầu tiên sau Tết.

Năm 2013, VN-Index giảm do điều chỉnh đợt tăng nóng trước đó, tăng 32% từ đầu tháng 12 đến trước Tết nhờ ăn theo tin tức triển khai gói kích cầu thời điểm đó và năm 2020 giảm do dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu. Trong giai đoạn nghỉ Tết thì dịch bùng phát ở Trung Quốc và lây lan sang cả Châu Âu và Mỹ.

Lịch sử liệu có lặp lại, VN-Index sẽ tăng tốc để bắt kịp thị trường thế giới? - Ảnh 1.

(Nguồn: FiinTrade).

Thống kê của Fiintrade chỉ ra dòng tiền có xu hướng tăng mạnh vào nhóm ngân hàng trong 4 tuần trước Tết, tăng mạnh vào nhóm dầu khí trong 2 tuần trước Tết và tăng nhẹ vào nhóm du lịch & giải trí trong 3 tuần trước Tết.

Liên quan đến giao dịch khối ngoại, NĐT nước ngoài mua ròng 2/4 tuần trước Tết và có tháng mua ròng đầu tiên trong vòng 6 tháng gần nhất, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể biết được xu hướng mua hay bán ròng của nhóm này.

Tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, hiện tượng “trắng bên mua” ở các cổ phiếu "họ FLC" và các mã bất động sản tăng nóng trước đó đã không còn, giao dịch trong những ngày cuối tuần của nhóm này vẫn có thanh khoản tốt.

Trong phiên cuối cùng của năm Âm lịch Tân Sửu, cổ phiếu "họ FLC" tăng mạnh, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng tăng nóng đã có lúc mất thanh khoản sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc gồm DIG, CEO, CII, LDG, HQC tăng giảm đan xen nhưng giá trị giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao.

Lịch sử liệu có lặp lại, VN-Index sẽ tăng tốc để bắt kịp thị trường thế giới? - Ảnh 2.

Cổ phiếu nóng vẫn có thanh khoản. (Nguồn: FiinTrade)

Thị trường chứng khoán được dự báo ra sao trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỷ nghỉ lễ?

Theo nhóm phân tích của FiinTrade, trước khi nghỉ Tết nhà đầu tư lo lắng về các sự kiện Fed sẽ tăng lãi suất trong năm; khả năng xảy ra chiến tranh giữ Nga - Ucraina và đồng Minh; thị trường toàn cầu giảm, trong đó chỉ số Nasdaq rơi vào điều chỉnh (giảm hơn 10%), chỉ số đại diện thị trường S&P và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng giảm lần lượt trên 5% và trên 3%, cuối cùng là thị trường tiền ảo điều chỉnh trên 40%.

Hiện nay các lo ngại này đã phần nào dịu bớt, do các yếu tố như (1) cuộc họp của Uỷ ban Thị trường mở FOMC đã giúp giới đầu tư xác định rõ lộ trình tăng lãi suất từ tháng 3/2022,  (2) Pháp và Đức đang nỗ lực ngoại giao để xuống thang căng thẳng Nga - Ucraina, (3) thị trường toàn cầu từ Mỹ tới châu Á, Âu đã có 2 tuần tăng điểm liên tiếp và các đồng tiền ảo đã tăng mạnh trong 2 tuần qua.

Dự báo về diễn biến thị trường chứng khoán, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng ở phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng 1.486 điểm.

Đồng thời, thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt đây cũng là mùa báo cáo tài chính quý IV/2021 của các doanh nghiệp niêm yết và nhiều doanh nghiệp cũng sẽ công bố về kế hoạch kinh doanh 2022.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục cải thiện từ vùng bi quan quá mức cho thấy rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần, nhưng các vị thế mua mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp. Yuanta Việt Nam cũng đánh giá xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể dừng bán và xem xét mua mới với tỷ trọng cổ phiếu thấp 30 - 35% danh mục.

Theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Nhóm phân tích cho rằng dòng tiền vẫn sẽ có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chưa nên gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

Còn theo nhận định của Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index trong ngắn hạn có thể sẽ tích lũy quanh vùng 1.468 - 1.478, và mục tiêu đầu tiên trong năm Nhâm Dần của chỉ số này là test thành công đường MA50.

Thu Thảo