Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo dài vì chương trình trợ cấp ngũ cốc
Hôm 4/11, Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ đang có kế hoạch gia hạn chương trình ngũ cốc thực phẩm miễn phí thêm 5 năm. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ cố gắng bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá ngũ cốc tăng trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Việc gia hạn sẽ mang lại sự trợ giúp cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ dẫn đến chi tiêu của chính phủ cao hơn. Đồng thời, điều này cũng yêu cầu New Delhi phải mua thêm lúa mì và gạo từ nông dân để duy trì chương trình phúc lợi cung cấp ngũ cốc miễn phí cho hơn 800 triệu người.
Ông Modi đã xác nhận động thái này tại một cuộc vận động bầu cử ở Durg, một thành phố ở bang miền trung Chhattisgarh.
Chương trình ngũ cốc ước tính tiêu tốn của chính phủ khoảng 2 nghìn tỷ rupee (24 tỷ USD) trong năm nay. Nếu không được gia hạn, chương trình này sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì và gạo lớn thứ hai thế giới, đã hạn chế xuất khẩu cả hai loại ngũ cốc này để kiềm chế giá cả tăng cao trong nước.
Một đại lý của công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết chính phủ sẽ buộc phải duy trì các hạn chế xuất khẩu trong thời gian dài hơn vì cần thu mua từ nông dân để thực hiện chương trình.
Ông nói thêm: “Nếu không có hạn chế xuất khẩu, giá nội địa sẽ tăng cao hơn giá sàn do chính phủ quy định và họ sẽ không thể mua đủ”.
Mới đây, Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết nước này giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati xuống còn 950 USD/tấn từ mức 1.200 USD/tấn. Trước đó, Ấn Độ đã áp đặt mức giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) 1.200 USD/tấn đối với các lô hàng gạo basmati vào tháng 8 để hạn chế giá nội địa trước các cuộc bầu cử quan trọng ở các bang.
Việc chính phủ Ấn Độ áp giá sàn đối với gạo basmati xuất khẩu khiến nông dân và nhà xuất khẩu không hài lòng vì cho rằng vụ thu hoạch mới đã khiến giá trong nước giảm
Lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm trong năm nay, làm tăng triển vọng New Delhi sẽ gia hạn hạn chế xuất khẩu ngũ cốc để hạn chế giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 15 năm sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, hạn chế xuất khẩu các loại gạo non-basmati trong tháng 7.
Năm ngoái, Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì sau khi đợt nắng nóng làm giảm sản lượng.