|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lên sàn giá 140.900 đồng/cp, 'nồi cơm chính' của VTVcab đang hoạt động thế nào?

10:16 | 30/08/2019
Chia sẻ
Ngày 6/9 tới đây, VTVcab sẽ đưa 45,74 triệu cổ phiếu CAB giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 140.900 đồng/cp.

Việc VTVcab đưa ra mức giá chào sàn khá cao trong khi hoạt động kinh doanh không có nhiều điểm nổi bật khiến cho cổ đông khá tò mò về tình hình hoạt động của các công ty thành viên, trong đó chủ lực là Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Thành (Vita).

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Thành là Công ty TNHH Công nghệ Việt Thành, được thành lập vào năm 2002. Ngành nghề chính là thiết lập hạ tầng viễn thông, hoạt động viễn thông có dây và dịch vụ truyền hình cáp.

Vita có vốn điều lệ 105 tỉ đồng, trong đó VTVcab là công ty mẹ sở hữu 51%, Viet Thanh Cable Investments Limited nắm giữ 25,5%. Hai lãnh đạo công ty gồm Chủ tịch Phạm Tiến Hiệp và Thành viên HĐQT Phạm Công Tú nắm giữ lần lượt 9,26% và 12,38%; còn lại là các cổ đông khác.

Về hoạt động kinh doanh, Vita là đơn vị chủ lực của VTVcab với việc đóng góp vài chục tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Tuy nhiên, "nồi cơm chính" của VTVcab đang chứng kiến sự sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm trở lại đây.

Kết quả kinh doanh đi xuống do sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình trả tiền, các nhà đài liên tục phải giảm cước dịch vụ để tăng tính cạnh tranh và không để mất thị phần, trong khi giá vốn dịch vụ ngày căng khiến biên lợi nhuận dần bị co hẹp, dẫn tới lợi nhuận cũng giảm mạnh theo.

vita

Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC

Trong 5 năm từ 2014 - 2018, doanh thu của Vita giảm gần 30% từ 216,7 tỉ đồng xuống còn 154,2 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế thậm chí còn giảm xuống còn chưa đến một nửa, từ 82,3 tỉ đồng giảm xuống xuống còn 39,2 tỉ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 của Vita, mảng dịch vụ truyền hình vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với 76,5 tỉ đồng; mảng cho thuê tài sản 55 tỉ đồng; dịch vụ internet 4,2 tỉ đồng; còn lại là các mảng khác.

Vita cũng duy trì lượng tiền mặt và tiền gửi khá lớn, nhờ đó thu về trung bình 3 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính mỗi năm. Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản ở mức 266,5 tỉ đồng; trong đó tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm 67,1 tỉ đồng.

Sơn Tùng

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.