|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lazada kêu gọi các siêu ứng dụng 'mở cửa' đón cạnh tranh ở Việt Nam

08:29 | 02/04/2022
Chia sẻ
Từng là sàn TMĐT mạnh nhất ở Việt Nam, đến nay, vị thế của Lazada rơi vào tay những cái tên non trẻ hơn như Shopee.

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada mới đây bất ngờ kêu gọi hợp tác ở một lĩnh vực vốn được biết đến với những cuộc cạnh tranh “đốt tiền” và bất kỳ công ty nào cũng mong muốn được “nhốt” cả người bán và người mua vào nền tảng của mình, theo Nikkei.

 Quảng cáo sự kiện mua sắm ngày 11.11 trên Lazada. (Ảnh: Nikkei). 

Trong bối cảnh muốn trở lại ngôi vị quán quân thị trường TMĐT Đông Nam Á, vốn đã rơi vào tay của Shopee trong một vài năm trở lại đây, Lazada nói với Nikkei rằng họ sẽ đầu tư mạnh vào logistics, thanh toán và mua sắm trên di động.

Lazada là sàn TMĐT thuộc sở hữu của gã khổng lồ Alibaba. Hiện tại, Alibaba đang phải đối mặt với nhiều án phạt liên quan đến độc quyền ở quê nhà Trung Quốc. Tại đây, chính phủ cấm các công ty internet chặn kết nối đến các nền tảng khác.

Ở Việt Nam, Lazada từng có vị thế mà một người đồng sáng lập gọi là vị trí dẫn đầu không thể bị đánh bại. Dù vậy, Shopee đã vượt lên Lazada ở Việt Nam, Thái Lan và Philippines xét trên khía cạnh lưu lượng truy cập.

“Chúng tôi tin rằng hợp tác cùng nhau sẽ là hướng đi tiếp theo. Trong khi chúng ta cạnh tranh để mang đến cho khách hàng những lựa chọn và giải pháp tốt nhất, các công ty nên hợp tác cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các mạng lưới mở trong nền kinh tế số này”, một người đại diện của Lazada chia sẻ.

Hiện chưa rõ làm thế nào để các công ty vốn thực tế cạnh tranh với nhau có thể duy trì một mạng lưới mở. Dù vậy, ông Chun Li, CEO Lazada Group, dẫn các bài học mà ông có được ở Trung Quốc và chỉ trích “những siêu ứng dụng kín cổng cao tường”. Các siêu ứng dụng này đặt mục tiêu phục vụ nhiều nhu cầu của khách hàng nhất có thể chỉ trên một nền tảng duy nhất. Thay vào đó, ông Li cho rằng các công ty nên hợp tác để mang đến cho người dùng nhiều kênh tương tác cả trực tuyến lẫn trực tiếp.

Những lời kêu gọi phá bỏ ngăn cách giữa các nền tảng công nghệ đang thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới. Ví dụ, Liên minh Châu Âu (EU) mới đây chấp thuận các quy định nhắm đến việc yêu cầu các công ty lớn như Google hay Apple phải mở cửa hệ sinh thái của mình cho các công ty khác. Về sau, người dùng có thể sẽ gửi được tin nhắn từ WhatsApp đến Signal, tương tự như cách người dùng có thể gửi email từ các dịch vụ khác nhau hoặc gọi điện thoại từ các nhà mạng khác nhau.

Ở lĩnh vực TMĐT, thanh toán là một cách mà các nền tảng sử dụng để loại bỏ sự cạnh tranh.

Ông Chris Beselin, cựu CEO Lazada Việt Nam, nói với Nikkei vào cuối năm 2020 rằng “nhốt” người dùng vào những phương thức thanh toán ví điện tử độc quyền là điều mà các công ty TMĐT luôn hướng đến, song chưa được chứng minh mức độ khả thi.

Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng có nhiều cách khác để “khiến người dùng khó rời đi hơn thay vì việc trở nên hấp dẫn hơn để người dùng muốn ở lại”, ví dụ như tặng điểm thưởng không sử dụng được ở bất kỳ dịch vụ nào khác, ông Kok Seng Kiong, giảng viên tài chính tại Đại học RMIT Việt Nam nói.

Hiện tại, chiến lược cạnh tranh bằng các sự kiện siêu ưu đãi hàng tháng của các sàn TMĐT đặt ra câu hỏi rằng liệu khách hàng có quay trở lại nữa không nếu như khuyến mại không còn nữa. “Mục tiêu của các công ty TMĐT thường là tồn tại lâu hơn đối thủ thay vì đạt được nhiều lợi nhuận hơn đối thủ”, ông Kok nói.

Ở Đông Nam Á, 73% dân số cho biết TMĐT là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ, tăng mạnh so với con số 60% ghi nhận vào năm 2020, theo một khảo sát cho Milieu Insight. Tỷ lệ này cao nhất ở Việt Nam, lên tới 81%.

“Vị thế mà Lazada có ở Việt Nam không nên để những công ty mới như Shopee chiếm lấy”, ông Beselin, cựu CEO Lazada Việt Nam, chia sẻ. “Dù vậy, họ đã làm được điều này, nhưng Lazada vẫn có thể lật ngược thế cờ”.

Ở Việt Nam, Shopee có thành công lớn bằng chiến lược tập trung vào các nhà bán hàng bên thứ ba và liên tục đưa ra các chính sách giao hàng miễn phí. Tuy nhiên, các đối thủ như Lazada, Tiki hay Sendo đều đang áp dụng các chiến lược kinh doanh tương tự.

Nam Khánh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.