Lao động nước ngoài được trọng dụng hơn tại Nhật Bản
Theo Nikkei Asia, sự trọng dụng của các công ty Nhật Bản đối với lao động nước ngoài đang lên cao, đặc biệt trong bối cảnh các công ty vừa và nhỏ, startup của Nhật Bản muốn tận dụng kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng cá nhân của nhóm lao động nước ngoài để mở rộng thị trường ra các quốc gia khác. Tỷ lệ người lao động nước ngoài được cân nhắc lên các vị trí quản lý đang gia tăng trong những năm qua.
Một trong những mục tiêu được nêu ra của chương trình thực tập sinh kỹ thuật của Nhật Bản là dạy kỹ năng cho người lao động từ các nước đang phát triển để họ có thể mang về nước. Nhưng một số thực tập sinh ở lại Nhật Bản để thăng tiến sự nghiệp.
Công ty Sanei Kinzoku Seisakusyo, một công ty gia công kim loại có trụ sở tại Osaka, đã bổ nhiệm những người lao động Việt Nam làm quản lý tại hai trong số 9 nhà máy của họ ở Nhật Bản.
Một trong số đó là Trần Văn Tuấn, người giám sát khoảng 10 công nhân tại nhà máy của mình. Anh đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật và hiện đang làm việc theo chương trình visa mới dành cho lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn.
Mặc dù thời gian lưu trú của Tuấn bị giới hạn ở mức 5 năm, nhưng nếu anh chuyển sang loại visa tiếp theo, anh có thể gia hạn lưu trú vô thời hạn. Nhớ đó, Tuấn có thể đưa gia đình đến Nhật Bản.
Tuấn dự định thi nâng cấp visa vào tháng 10. "Cuối cùng, tôi muốn đưa gia đình sang Nhật và trở thành cư dân thường trú," anh nói.
Khoảng một nửa trong số 100 nhân viên của Sanei là người Việt Nam, một trong những nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở Nhật Bản - quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trẻ.
Moon Kyungjo, Chủ tịch Sanei, cho biết: "Từ giờ trở đi, hầu hết nhân viên trẻ sẽ là người nước ngoài. Tôi hy vọng họ sẽ đặt ra mục tiêu cho bản thân với nhận thức rằng nếu chăm chỉ làm việc, họ có thể thăng tiến."
Số lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã tăng gần gấp ba lần trong một thập kỷ lên 2,05 triệu người vào năm 2023, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Mặc dù các công ty đã dựa vào lao động nước ngoài trong nhiều năm, nhưng sự gia tăng gần đây đã khiến nhu cầu về giám sát viên nước ngoài tăng lên.
Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Nhật Bản cần 6,74 triệu lao động nước ngoài để đạt được mục tiêu tăng trưởng của chính phủ vào năm 2040. Điều này không chỉ đòi hỏi thu hút thêm nhân tài nước ngoài mà còn phải giữ chân họ.
Tuy nhiên, đồng yen yếu khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhân tài nước ngoài. Trong một cuộc khảo sát của công ty nhân sự Mynavi Global năm nay, 91% số người nước ngoài được khảo sát cho biết họ muốn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản - giảm 5,8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát cuối cùng vào năm 2022.
Một cuộc khảo sát của Bộ Lao động cho thấy phần lớn lao động nước ngoài được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp có dưới 100 nhân viên.
Yugo Yoshida, giám đốc phụ trách thu hút nhân tài toàn cầu tại Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản, cho biết: "Để người lao động nước ngoài thành công, chúng tôi cần những người làm công việc giám sát, có thể nhận ra sự khác biệt về văn hóa, lối sống, tôn giáo và những yếu tố khác giữa Nhật Bản và các quốc gia khác."
Ông nói thêm: "Khi tổng số lao động nước ngoài tăng lên, chúng ta sẽ thấy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn đưa người nước ngoài vào các vị trí giám sát."