|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo doanh nghiệp chi tiền gom cổ phiếu để bình ổn giá, NĐT có nên mua theo ‘tay to’?

09:40 | 06/07/2022
Chia sẻ
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho rằng nhà đầu tư không thể mua đuổi theo thông tin lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu bởi quan điểm đầu tư của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Nhà đầu tư theo khuynh hướng đầu tư khoảng 1 - 5 tháng sẽ khác với quan điểm của các ông chủ doanh nghiệp.

BTV Hoàng Nam và Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình). 

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư lớn đã thực hiện gom hàng. Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính SBI của Nhật Bản vừa đăng ký mua hơn 5,7 triệu cổ phiếu FTS của công ty cổ phần Chứng khoán FPT trong thời gian từ ngày 28/6 đến ngày 26/7.

Ở ngành xây dựng, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch của Tập đoàn xây dựng Hoà Bình cũng có động thái đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu HBC theo hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Lý do đưa ra là nhằm bình ổn giá cổ phiếu ở trên thị trường và đầu tư. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch là từ 23/6 đến 22/7.

Bên cạnh đó, ông Trương Văn Việt, Phó chủ tịch thường trực của Hưng Thịnh Incons cũng đăng ký mua 5 triệu HTN để gia tăng sở hữu. Ông Lê Đông Lâm, Thành viên hội đồng quản trị Xây dựng 47, mã C47 báo cáo mua đã mua 500.000 cổ phiếu từ ngày 27 đến ngày 29/6.

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Lê Ngọc Nam , Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, cho rằng nhà đầu tư không thể mua đuổi theo thông tin lãnh đạo doanh nghiệp mua vào cổ phiếu bởi quan điểm đầu tư của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Nhà đầu tư theo khuynh hướng đầu tư khoảng 1 - 5 tháng thì sẽ khác với quan điểm của các ông chủ doanh nghiệp.

Thực tế, tín hiệu một số ông chủ doanh nghiệp hay một số tổ chức lớn mua vào cổ phiếu cũng ngầm định cho chúng ta rằng họ bắt đầu quan tâm đến cổ phiếu của một doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn hoàn toàn có thể mua một cách từ từ. Ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu giảm rất sâu do đó đối với một số nhà đầu tư giá trị có khuynh hướng nắm giữ cổ phiếu khoảng 2 - 3 năm thì những người này sẽ những chiến lược giải ngân từ từ và chúng ta không thể biết tài chính để hiểu được họ sẽ hành động theo cách thức nào phù hợp.

Tuy nhiên, các tín hiệu này cho thấy một vài cổ phiếu hay một vài nhóm cổ đông đã quan tâm đến cổ phiếu mục tiêu và bắt đầu có những động thái mua vào. Điều này cũng sẽ giúp một phần nào đó củng cố niềm tin chung của thị trường.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt. (Ảnh chụp màn hình). 

Theo một số thông tin, bộ chỉ số về HOSE-Index, cụ thể là rổ VN30 sẽ có sự tái cơ cấu danh mục trong kỳ quý III. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng VN30 sẽ thêm VIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam và loại ra PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

Ông Nam nhận định việc PNJ không nằm trong rổ VN30 nữa cũng có thể trở thành cơ hội bởi với định giá hiện tại, kết quả kinh doanh của PNJ trong năm tháng đầu năm đạt hơn 1.000 tỷ và trong quý II, quý III, kết quả kinh doanh được dự báo sẽ tăng khá mạnh vì cùng kỳ năm ngoái ông lớn bán lẻ này hoạt động chủ yếu ở khu vực TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long cho nên hoạt động kinh doanh của họ bị chững lại, lợi nhuận âm.

Động thái mang tính chất đưa vào hay đưa ra một cổ phiếu thuộc VN30 thì sở giao dịch đều có nguyên tắc của họ. Tổng thể các quỹ liên quan đến VN30 hiện tại đang nắm khoảng hơn 8.000 tỷ danh mục và PNJ ở một tỷ trọng nhất định có thể sẽ bị bán ra tầm 1 - 2 triệu cổ phiếu tuy nhiên thông tin đó không phải là thông tin trọng yếu làm thay đổi xu hướng cổ phiếu này.

Nếu PNJ có mức giá chiết khấu tương đối tốt thì đấy là cơ hội cho chúng ta bởi thông thường giá cổ phiếu sẽ biến động theo nội tại của doanh nghiệp nhiều hơn việc cung - cầu trong vài phiên ”, ông Nam khẳng định.

Thảo Bùi