Lần thứ hai làm Tổng Giám đốc FLC, thách thức nào đang chờ đợi ‘nữ tướng’ Hương Trần Kiều Dung?
3 năm, 4 lần thay Tổng Giám đốc
Ngày 9/5/5015, Tổng Giám đốc Doãn Văn Phương từ nhiệm, bà Hương Trần Kiều Dung khi đó là Phó TGĐ thường trực được bổ nhiệm thay ông Phương ngồi “ghế nóng” tại FLC.
Bà Hương Trần Kiều Dung sinh năm 1978, là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, M&A.
Theo FLC, nửa cuối năm 2018 và các năm tới, bên cạnh mảng bất động sản nghỉ dưỡng, FLC dự kiến tiếp tục triển khai và mở rộng hoạt động các mảng hàng không, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, … Bà Dung được HĐQT Tập đoàn đánh giá là người phù hợp cho chiến lược này.
Về phần mình, ông Doãn Văn Phương lui về giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT FLC. Tuy nhiên chỉ 4 tháng sau, vào tháng 9/2015 vị trí này của ông Phương cũng được thay thế bởi ông Lê Thành Vinh.
Ngoài các vị trí tại FLC, từ tháng 9/2014, ông Phương còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Nông dược H.A.I (Mã: HAI) – một công ty có FLC là cổ đông lớn. Đến tháng 7/2017, vị trí Chủ tịch HAI của ông Phương lại bị thay thế bởi ông Trần Quang Huy – khi đó là Phó TGĐ FLC. Ông Phương làm thành viên HĐQT của HAI cho đến nay.
Nhưng dường như ông Phương vẫn còn nhiều duyên nợ với Tập đoàn FLC khi vào đầu năm 2017, ông Phương kết hôn với Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 Thu Ngân. Cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt này do chính Tập đoàn FLC tổ chức.
Ông Doãn Văn Phương cùng vợ là Hoa hậu Thu Ngân. |
Ông Lê Thành Vinh và ông Trần Quang Huy, hai người thay thế các vị trí của ông Doãn Văn Phương vào năm 2015 và 2017, sau này đều lần lượt trở thành Tổng Giám đốc của FLC sau bà Hương Trần Kiều Dung. Tuy nhiên, thời gian ngồi ghế TGĐ của ông Vinh và ông Huy không dài, mỗi người chỉ khoảng 8 tháng.
4 Tổng Giám đốc gần đây nhất của FLC. Từ trái qua phải: Bà Hương Trần Kiều Dung (từ 9/5/2015 đến 8/3/2017), ông Lê Thành Vinh (từ 9/3/2017 đến 2/11/2017), ông Trần Quang Huy (từ 3/11/2017 đến 17/7/2018) và bà Hương Trần Kiều Dung quay lại ghế Tổng Giám đốc ngày 18/7/2018. |
Trong thời gian gần 2 năm mà bà Hương Trần Kiều Dung làm Tổng Giám đốc (5/2015 - 3/2017), Tập đoàn FLC liên tục góp vốn để mở nhiều công ty con ở các lĩnh vực khác nhau như Công ty TNHH BOT Khai thác quản lý bãi biển FLC Sầm Sơn (vốn điều lệ 200 tỷ đồng), Công ty TNHH Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (450 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất đồ uống FLC (15 tỷ đồng), …
Cũng trong thời gian bà Dung tại vị, Tập đoàn FLC tổ chức chào bán gần 180 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp – cao hơn khoảng 40% thị giá khi đó. Các cổ đông hiện hữu chỉ đăng ký mua khoảng 13% số chào bán. Sau đó, FLC đã tìm được 8 nhà đầu tư cá nhân “bạo chi” 846 tỷ đồng để mua thêm 47% số cp chào bán.
Như vậy, tuy giá chào bán cao hơn đáng kể so với thị giá nhưng FLC dưới thời bà Dung vẫn bán được tới 60% số chào bán, thu về hơn 1.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, FLC Star Tower, Khu công nghiệp Chấn Hưng.
Những thách thức phía trước
Ngày 13/7/2018, chỉ ít hôm trước ngày bà Dung được bổ nhiệm Tổng Giám đốc lần thứ hai, HĐQT FLC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - công ty con do FLC sở hữu 100% vốn) từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng.
Đồng thời, HĐQT giao Tổng Giám đốc “chủ động cân đối nguồn vốn và chỉ đạo việc góp vốn” và phối hợp để “hoàn thiện hồ sơ pháp lý và triển khai các công việc cần thiết liên quan để hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ”.
Việc tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways là cần thiết vì theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP, 1.300 tỷ đồng là số vốn tối thiểu để một hãng hàng không có thể khai thác trên 30 tàu bay cho vận chuyển quốc tế. Số máy bay mà FLC đặt mua để phục vụ hoạt động của Bamboo Airways đã lên tới con số 44.
Ngoài ra, Bamboo Airways vẫn chưa được cấp giấy phép vận chuyển hàng không, đây cũng là một thách thức khác mà nữ luật sư Hương Trần Kiều Dung phải phối hợp với các lãnh đạo khác tìm hướng giải quyết.
Ngày 14/7, HĐQT FLC lại thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH FLC SamSon Golf & Resort từ 200 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Lần này, vẫn là TGĐ Tập đoàn FLC được giao “chủ động cân đối nguồn vốn và chỉ đạo việc góp vốn”.
Là người từng có kinh nghiệm làm TGĐ cũng như tăng vốn cho các công ty con của Tập đoàn, có vẻ bà Dung là người phù hợp để thực hiện những nhiệm vụ này.
Ngoài ra, theo nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2018, trong năm nay FLC lại có kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để huy động 3.000 tỷ đồng đầu tư cho Quần thể FLC Quảng Bình.
Giống với đợt chào bán năm 2016, giá chào bán lần này cũng cao hơn khoảng 40% so với thị giá (giá cổ phiếu FLC kết phiên 3/8 là 6.040 đồng/cp). Với kinh nghiệm từ lần phát hành trước, liệu lần này bà Hương Trần Kiều Dung có huy động được nghìn tỷ đồng cho FLC?
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/