Làn sóng vốn ngoại mới chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam
Những chuyến viếng thăm đầy bất ngờ
Cuối tháng 9/2018, hàng loạt nhà đầu tư tổ chức lớn đã có mặt tại Việt Nam để làm việc với các cấp lãnh đạo nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Điểm ấn tượng không chỉ ở sự tăng mạnh về tần suất làm việc của các nhà đầu tư ngoại với lãnh đạo các cấp, mà còn ở quy mô và vị thế các nhà đầu tư này.
Một nguồn tin cho biết, trong số này có nhà đầu tư thuộc Top 5 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, với tổng tài sản quản lý lên tới 2.500 tỷ USD. Quy mô đầu tư của công ty này lớn hơn rất nhiều lần so với những nhà đầu tư lớn nhất đã từng có mặt tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một quan chức trực tiếp tham gia làm việc cùng các nhà đầu tư nước ngoài cho biết, năm 2017, giai đoạn cao điểm khi dòng vốn ngoại chuẩn bị ồ ạt đổ vào Việt Nam, tần suất tiếp nhà đầu tư ngoại dày đặc và tình trạng này đang có khả năng tái diễn.
“Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, trong đó có cả những nhà đầu tư rất lớn, có tên tuổi trên thế giới là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đã và đang hấp dẫn hơn rất nhiều trên bản đồ thế giới. Lịch sử cho thấy, giai đoạn nào nhà đầu tư ngoại đăng ký xin làm việc nhiều, đó là lúc dòng tiền lớn gia tăng mạnh”, vị này nói.
Theo chia sẻ của vị lãnh đạo nói trên, các nhà đầu tư đều đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vấn đề được họ quan tâm là thủ tục pháp lý chuyển tiền vào – ra, các quy định về đầu tư tại Việt Nam, cũng như mức độ ổn định của tỷ giá hối đoái.
Không chỉ tăng mạnh các chuyến thăm và làm việc với các cơ quan quản lý, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư ngoại thông qua các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán có hoạt động tại Việt Nam cũng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các công ty chứng khoán nhóm Top 10 thị phần môi giới cho biết, họ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư ngoại, nhất là khoảng thời gian 2 năm gần đây.
Không chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẵn sàng chi lớn đầu tư vào lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp có kế hoạch đại chúng hóa… ở các lĩnh vực khác nhau.
Với những công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, một trong những mục tiêu khi mở rộng đầu tư vào Việt Nam chính là việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và đầu tư của nhà đầu tư tại nước sở tại.
Cơ hội từ nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi
Mới đây, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ hai (Secondary Emerging). Theo ước tính của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), việc này có thể giúp tăng giá trị dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư theo chỉ số FTSE vào thị trường Việt Nam từ 184 - 555 triệu USD.
Một báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, để được nâng hạng lên Secondary Emerging, Việt Nam cần thỏa mãn 9 tiêu chí, chia làm 3 nhóm: Môi trường pháp lý, hạ tầng giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ. Về cơ bản, trong lần xét duyệt này, Việt Nam đã đạt tất cả 9 tiêu chí, tương đương với việc thỏa mãn các điều kiện cần để được nâng hạng.
So với kỳ xem xét năm ngoái, thay đổi trọng yếu nhất của Việt Nam nằm ở tiêu chí thanh khoản thị trường.
Trong một năm trở lại đây, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng nhanh chóng, thể hiện ở cả quy mô giao dịch hàng ngày và độ lớn của thị trường thông qua tổng giá trị vốn hóa.
Quá trình IPO cùng với thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh đã giúp thị trường mở rộng nhanh, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng gia tăng cả về số lượng và quy mô.
Nhờ đó, tiêu chí thanh khoản đã được nâng đánh giá từ mức Hạn chế (Restricted) lên Đạt (Pass), giúp thị trường Việt Nam đạt đủ tất cả 9 tiêu chí cần thiết để được nâng hạng.
Hai tiêu chí phụ là thu nhập bình quân đầu người và đánh giá tín nhiệm của Việt Nam vẫn chưa đạt. Tuy nhiên, SSI cho biết, đây không phải các tiêu chí trọng yếu đối với thị trường Secondary Emerging, bởi các thị trường Ấn Độ, Indonesia và Philippines đều đã nằm trong nhóm này dù chưa đạt.
Cũng theo SSI, mặc dù chia các thị trường mới nổi (Emerging) làm hai nhóm, nhưng hai nhóm này không bị phân biệt đối xử lớn trong quá trình xây dựng các chỉ số chung cho các thị trường mới nổi của FTSE.
FTSE Emerging Markets All Cap China A Inclusion Index là chỉ số lớn nhất trong họ chỉ số các thị trường mới nổi của FTSE, bao gồm 4.079 cổ phiếu thuộc tất cả 23 thị trường mới nổi nằm trong hai nhóm thị trường và các cổ phiếu China A dù chưa được nâng hạng.
Hiện tại, Quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF là quỹ lớn nhất sử dụng chỉ số này làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản khoảng 59 tỷ USD.
Các cổ phiếu thuộc nhóm Secondary Emerging như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn nằm trong Top tỷ trọng cao nhất rổ chỉ số. Do đó, nếu được đưa vào nhóm Secondary Emerging thì cơ hội được đưa vào chỉ số cũng không thấp hơn so với nhóm Advanced.
Dù vẫn cần thời gian để chính thức được nâng hạng, từ đó nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư theo chỉ số của FTSE, nhưng dữ liệu quá khứ từ việc thay đổi xếp hạng thị trường chứng khoán quốc gia khác trong mấy năm gần đây cho thấy, việc được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường đã kích hoạt các dòng vốn lớn đổ vào đầu tư, do nhà đầu tư ngoại cũng đón trước xu hướng các dòng vốn bắt buộc phải đầu tư khi nâng hạng (đầu tư theo chỉ số).
Dòng vốn ngoại đang được kích hoạt
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn V. Trung, một môi giới vốn cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, cá nhân ông đã giúp các doanh nghiệp huy động được trên 200 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư chủ yếu ở cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
“Trong khi các doanh nghiệp trong nước phải vay vốn ở mức 10%/năm trở lên, thì các nhà đầu tư ngoại lại đang sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất 5%/năm, với các điều kiện chuyển đổi hấp dẫn cho doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư cũng sẵn sàng đầu tư quy mô lên tới cả tỷ USD vào thị trường Việt Nam, miễn là có cơ hội tốt và doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết”, ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Trung, ngoài các thương vụ đã làm, ông cùng cộng sự đang xúc tiến hàng loạt thương vụ kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước khác, kỳ vọng sẽ tăng mạnh quy mô đầu tư nước ngoài về Việt Nam thông qua đầu cá nhân ông và cộng sự.
Mức độ lạc quan của các nhà đầu tư ngoại qua các nguồn khác cũng tương tự. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, Công ty đã thu hút một loạt nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp trong nước và kéo được lượng vốn rất lớn đầu tư vào doanh nghiệp với mức định giá hấp dẫn.
Vốn đổ dồn vào các quỹ ETF. Vốn vào đầu tư các công ty chứng khoán ngoại tăng mạnh. Vốn qua các quỹ đầu tư khác cũng tăng và đặc biệt, dòng vốn đầu tư vào doanh nghiệp qua phát hành riêng lẻ, mua lại cổ phần, việc xúc tiến đầu tư đồng loạt các quỹ đầu tư lớn trên thế giới cũng tăng mạnh… đang là tín hiệu khá rõ ràng về một làn sóng vốn ngoại lớn vào Việt Nam.